
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động gồm ba thành phần: có sóng, có Internet đến tất cả các hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo và có giá cước phù hợp cho các máy tính này. Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, các địa phương xây dựng tiêu chí hỗ trợ máy tính cho học sinh đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình ý nghĩa này. Đây là một chương trình lớn của mọi ngành, mọi cấp và mọi người, mọi doanh nghiệp dành cho ngành giáo dục, dành cho các em, dành cho tương lai của đất nước.
Ông Trịnh Quang Đăng – Trưởng đại diện Tập đoàn VNPT trên địa bàn Kiên Giang, quyền Giám đốc VNPT Kiên Giang – cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc nhằm giúp hiện thực hóa ước mơ của các em học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục cắp sách đến trường, giúp các em học tập thuận lợi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra phức tạp, để các em góp phần phát triển xã hội, đất nước trong tương lai.
Việc dạy học trực tuyến là một biện pháp rất tốt tuy nhiên không phải học sinh nào cũng có điều kiện theo học với hình thức này. Theo Sở GD&ĐT Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 96.184 học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19, chiếm 32,63% tổng số 694.762 học sinh năm học 2021 - 2022. Chính vì vậy, hỗ trợ các em có được các thiết bị, điều kiện học online là một việc làm cấp thiết.
Đây không phải là lần đầu tiên VNPT Kiên Giang đồng hành cùng ngành giáo dục tỉnh nhà trong những chương trình an sinh xã hội. Với phương châm “VNPT Kiên Giang luôn cam kết vì lợi ích cộng đồng” và “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai đất nước”, những năm học vừa qua, toàn thể cán bộ công nhân viên của đơn vị đã tích cực đóng góp vào các hoạt động khuyến học cùng chính quyền các cấp như “Chắp cánh ước mơ”, “Học sinh nghèo vượt khó”, “Hội thi giáo viên, học sinh giỏi”, “Tặng tập nhân ngày khai giảng”…với trị giá trên 1 tỷ đồng mỗi năm để giúp các em học sinh sinh viên nghèo học giỏi ở địa phương có thể hoàn thành thật tốt việc học của mình mà không phải lo lắng về những vấn đề khác.
Đồng thời, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) bước đầu đã có kế hoạch hỗ trợ 37.000 máy tính bảng để giúp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương triển khai học trực tuyến, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy, việc đồng hành cùng chương trình “Sóng và máy tính cho em” lần này là một hoạt động đi đúng với định hướng và trách nhiệm của VNPT Kiên Giang tại địa phương. Những hoạt động tương tự sẽ được đơn vị đẩy mạnh thực hiện toàn diện hơn trong thời gian tới.
Bài & ảnh: Đắc Vinh