Hình thức thanh toán sử dụng tài khoản viễn thông, không dùng tiền mặt - tiền di động (mobile money), đã ghi nhận thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt có ý nghĩa với những người dân ở vùng sâu vùng xa, người cao tuổi.
Tiền di động đã được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ tháng 3/2021. Đầu năm 2023, hãy cùng nhìn lại về thực trạng ứng dụng tiền di động ở Việt Nam hiện nay và đánh giá tương lai của hình thức này.
1. Tình hình sử dụng tiền di động ở Việt Nam hiện nay
Theo thông tin từ báo Điện tử Chính phủ ngày 6/10/2022, sau 11 tháng thực hiện thí điểm hình thức thanh toán viễn thông Mobile Money - tiền di động, thì đến tháng 8/2022, tại Việt Nam có 2,2 triệu tài khoản sử dụng.
Trong đó có:
- Khoảng 68% người dùng ở khu vực nông thôn
- Hơn 14.000 đơn vị chấp nhận thanh toán
- Hơn 50% điểm kinh doanh nằm ở khu vực nông thôn
Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Con số người dùng hình thức thanh toán tiền di động (Mobile money) so với số lượng thuê bao điện thoại hiện đang rất nhỏ. Vì vậy, đòi hỏi các bên liên quan (như nhà nước và các đơn vị cung cấp dịch vụ) cần phải có các giải pháp để thúc đẩy phát triển hơn.
Trên thực tế, dịch vụ thanh toán bằng tiền di động tại Việt Nam chưa trở nên phổ biến vì bị hạn chế về hành lang pháp lý, giới hạn về tổ chức cung cấp dịch vụ. Theo bài viết Về điều kiện phát triển Mobile-Money ở Việt Nam hiện nay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền di động hay “mobile money là dịch vụ mới, khó và nhạy cảm”.
Bài viết cũng đã phân tích một số trở ngại khiến cho dịch vụ tiền di động ở Việt Nam chưa trở nên phổ biến và thành công. Có thể kể đến như sau:
- Về hành lang pháp lý mới chỉ có Quyết định số 316/QĐ-TTg quy định về tiền di động. Việc đảm bảo an toàn. Vì đây là một dịch vụ công nghệ cao được thực hiện qua các nhà mạng, nên cần có các quy định pháp lý chặt chẽ để đảm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, phòng tránh và ngăn ngắn những nguy cơ liên quan tới an ninh mạng.
- Đối tượng được cấp phép dịch vụ chưa đa dạng, mới chỉ có các đơn vị viễn thông. Trong khi ở các nước khác, tiền di động còn có sự tham gia của các ngân hàng và công ty Fintech.
- Việc thanh toán mới chỉ được chấp nhận với các tài khoản cùng nhà mạng và trong giới hạn tối đa là 10 triệu. Điểm này khiến cho tiền di động khó cạnh tranh với các hình thức giao dịch khác.
Tiền di động đang bị giới hạn bởi nhiều yếu tố nên chưa phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay
Bên cạnh các hạn chế điều kiện để triển khai dịch vụ tiền di động, thì người dùng đang chưa mặn mà với hình thức thanh toán này. Đối tượng chính của dịch vụ tiền di động ở Việt Nam là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có ít điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới, mạng internet và sử dụng điện thoại thông minh.
Theo lý thuyết và bài học thành công trên thế giới, đây sẽ là hình thức thanh toán mang lại nhiều lợi ích cho người dùng ở các địa phương này. Tuy nhiên, trong thực tế, người dân lại có tâm lý e ngại khi sử dụng vì sợ mất tiền. Việc sử dụng tiền mặt để thanh toán vẫn tiện lợi hơn so với việc thực hiện các bước trên điện thoại.
Theo bài viết trên báo Nhân dân ngày 5/12/2022, “có gần 39.000/72.000 điểm giao dịch cung cấp dịch vụ nằm ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa”, nhưng “những giao dịch không dùng tiền mặt phần lớn mới chỉ tập trung ở khu vực thành thị”.
Tiền di động chưa thể hiện được ưu điểm so với tiền mặt nên chưa phổ biến ở các vùng sâu vùng xa
2. Dự đoán tương lai của tiền di động ở Việt Nam
Đến cuối năm 2023 sẽ kết thúc 2 năm thực hiện thí điểm sử dụng hình thức thanh toán tiền di động tại Việt Nam. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng kỳ vọng rằng: "Hy vọng, sang năm, tốc độ tăng trưởng sẽ là 3 con số, hướng tới mục tiêu trên dưới 10 triệu thuê bao có thể sử dụng Mobile Money, mang lại tiện ích thiết thực cho người dùng và phát triển Mobile Money".
Mặc dù, ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng hình thức thanh toán tiền di động chưa cao nhưng vẫn được đánh giá cao về tính ứng dụng và triển vọng phát triển. Bởi vì hơn 60% dân số Việt Nam ở khu vực nông thôn và miền núi.
VNPT Money là dịch vụ tiền di động của nhà cung cấp VNPT - đây là một trong những nhà mạng được cấp phép tham gia thực hiện thí điểm triển khai tiền di động tại Việt Nam.
Hiện tại VNPT Money đã hỗ trợ thanh toán tại hơn 500.000 điểm trên toàn quốc chấp nhận thanh toán qua: mã QR của Payoo, Vietcombank, HDBank, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), doanh nghiệp xăng dầu,...
VNPT là nhà mạng đi đầu trong đẩy mạnh hoạt động sử dụng hình thức thanh toán tiền di động tại Việt Nam hiện nay
Dịch vụ tiền di động của VNPT dành cho người dùng thuê bao VinaPhone. Nếu bạn quan tâm tới dịch vụ này, vui lòng liên hệ hotline 1800 1091 (nhánh 3) hoặc tìm hiểu thêm thông tin tại website VNPT Pay nhé.
Như vậy, tiền di động ở Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn thí điểm và chưa thu hút được đông đảo người dân lựa chọn sử dụng. Trong tương lai, Chính phủ cần cải thiện các điểm hạn chế về hành lang pháp lý, đơn vị cung cấp và hạ tầng viễn thông, để tiền di động (mobile money) thành công ở Việt Nam.