Dấu mốc phát triển của Tập đoàn VNPT không thể không nói đến 02 Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 888/QĐ-TTg năm 2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg năm 2018. Đây là những quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động tái cơ cấu và đã đưa VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước chuyên về lĩnh vực Viễn thông - CNTT mạnh như hiện nay.
Kiện toàn mô hình tổ chức và tạo động lực phát triển bền vững
Tại Quyết định số 888 với nhiệm vụ tái cơ cấu giai đoạn 2014 - 2018, VNPT đã thực hiện nhiệm vụ tách Công ty MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ra khỏi Tập đoàn, đồng thời kiện toàn bộ máy hoạt động của các đơn vị phụ thuộc như VinaPhone, VTI, VTN, VASC, VASC và Viễn thông tại 63 tỉnh, thành phố theo mô hình chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên biệt và khác biệt.
Cũng từ đây, VNPT đã được chia thành 03 lớp rất rõ ràng là hạ tầng, kinh doanh và dịch vụ thông qua việc thành lập 03 Tổng công trực thuộc là Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net).
Trong quá trình tái cơ cấu, VNPT có nhiều điều kiện trong việc đầu tư phát triển mạng lưới, chú trọng hơn đến tổ chức hệ thống kênh bán hàng và chăm sóc khách hàng thống nhất, xuyên suốt trên toàn quốc…Từ con số 4.000 nhân viên kinh doanh, sau tái cơ cấu đã tăng lên thành 15.000 nhân viên. Đồng thời, VNPT cũng chuyển hướng sang phát triển các dịch vụ CNTT để phục vụ mục tiêu hướng tới Chính phủ điện tử theo định hướng của Đảng và Chính phủ trong những năm sau đó.
Bên cạnh việc kiện toàn bộ máy hoạt động, VNPT còn áp dụng mô hình quản trị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả công việc và tạo động lực cho người lao động, đảm bảo nguyên tắc “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”. Từ trên các Ban chức năng của Tập đoàn VNPT đến các đơn vị thành viên, mỗi lao động đều được sắp xếp công việc phù hợp với năng lực để đáp ứng tốt công việc được giao.
Những nỗ lực của VNPT đã được đền đáp xứng đáng với kết quả doanh thu đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 80%, lợi nhuận sau 04 năm tái cơ cấu tăng trưởng trên 25%, thu nhập trung bình của nhân viên tăng từ 11 triệu đồng/tháng (từ năm 2016) lên 23 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các chỉ số về tài chính đều ở ngưỡng an toàn và đồng vốn được bảo toàn. Đến năm 2017, VNPT không còn vay vốn và nợ nước ngoài
Tập trung nguồn lực để tạo ra những đột phá mới
Quyết định số 2129/QĐ-TTg giai đoạn 2018 - 2020 mở ra chặng đường tái cơ cấu tiếp theo của VNPT với những đột phá mới.
Để đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã khẩn trương hoàn thiện chiến lược VNPT 4.0 với quyết tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và là trung tâm dịch vụ số ở châu Á. Việc tập trung xây dựng, góp phần phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh được VNPT coi là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong các giai đoạn tái cấu trúc.
Để tham gia vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế số, đô thị số, chính quyền số, VNPT quyết tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp số bằng việc thành lập Công ty chuyên về CNTT. Công ty VNPT-IT ra đời có nhiệm vụ chính là phát triển các sản phẩm phần mềm ứng dụng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục. Các sản phẩm dịch vụ do VNPT-IT nghiên cứu phát triển sẽ góp phần đáng kể nâng cao đời sống xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền bằng chính sản phẩm của CNTT.
Tại Quyết định số 2129 cũng yêu cầu VNPT định hướng lại để Công ty VNPT-IT và VNPT-VinaPhone thống nhất đầu mối kinh doanh dịch vụ quốc tế cũng như các dịch vụ CNTT trong nước. Ngoài ra, VNPT cũng tập trung phát triển Công ty VNPT Technology, sắp xếp lại các công ty cổ phần và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành theo đúng tinh thần của Quyết định này.
Như vậy, VNPT đang bước những bước đi vững chắc trong việc thực hiện tái cơ cấu bằng chính kế hoạch nhất quán và sự đồng lòng từ cấp Lãnh đạo đến toàn thể CBCNV ở các đơn vị. Cũng từ tái cơ cấu, VNPT đã rút ra được những bài học quý báu, tích lũy thêm kinh nghiệm để chinh phục những chặng đường khó khăn tiếp theo. Với VNPT, công cuộc tái cấu trúc sẽ không thành công như hiện nay nếu thiếu chiến lược rõ ràng, thiếu tinh thần đoàn kết, thiếu quyết tâm thực hiện, thiếu cơ chế minh bạch và thiếu đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực phẩm chất để hoàn thành công việc. Với VNPT tái cơ cấu không phải là khó khăn, thách thức mà là cơ hội để tập trung trí lực cho công cuộc phát triển bền vững trong tương lai. Cũng nhờ tái cấu trúc, VNPT đã nâng cấp được chất lượng sản phẩm dịch vụ, ý thức trách nhiệm phục vụ khách hàng và số lượng khách hàng tìm đến các sản phẩm dịch vụ của VNPT không ngừng tăng lên.
(Theo Xã luận)