Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp về phương án kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, từ ngày khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019 đến nay đã có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính. Số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trong tháng 3/2020 so với tháng đầu tiên khi vận hành Trục đã tăng gấp 5 lần, đặc biệt trong những tháng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, số lượng văn bản điện tử tăng mạnh, hằng tháng có khoảng 200.000 văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan.
Tiến tới trước ngày 30/6/2020, hoàn thành kết nối 4 cấp chính quyền. Ngoài các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và một số cơ quan tỉnh ủy, đang thử nghiệm kết nối tới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia,… Tổng cộng hiện nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối tới 129 điểm.
Sau hơn 1 năm khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, hiện 94/94 cơ quan Trung ương và địa phương (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành và thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử 2 cấp chính quyền thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Trục liên thông văn bản quốc gia có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả hoạt động đã được minh chứng trong thời gian qua.
Được biết, Tập đoàn VNPT và một số đơn vị được Văn phòng Chính phủ tin tưởng, giao phó nhiệm vụ xây dựng và triển khai hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia để thực hiện việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Trục liên thông văn bản quốc gia là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP) được xem là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nên với kinh nghiệm triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: chính phủ điện tử, y tế, giáo dục… với quyết tâm rất cao, Tập đoàn VNPT đã nỗ lực hết sức khi được Chính phủ tin tưởng giao xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia vì giá trị thực tiễn xã hội khi giúp tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản.
Với ý nghĩa đó, Trục liên thông văn bản quốc gia và hệ sinh thái các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ chính phủ điện tử được VNPT dày công nghiên cứu, xây dựng đã minh chứng cho những nỗ lực của nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu khu vực với mong muốn góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, cuộc sống tốt đẹp hơn.