Theo số liệu tính từ ngày 9/12/2019 đến ngày 13/2/2020, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia do VNPT xây dựng đã có 9/22 Bộ, cơ quan 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp; 51.780 tài khoản đăng ký với trên 11,4 triệu lượt truy cập...
Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) đã chính thức được khai trương. Cổng Dịch vụ công Quốc gia là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách. Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng DVCQG lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.
Tính ưu việt của Cổng Dịch vụ công Quốc gia thể hiện ở việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng. Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 01 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tincũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thông tin tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được lưu trữ và liên thông với các trang Dịch vụ công khác. Nhờ đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm… sau khi cá nhân, tổ chức đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sẽ được tái sử dụng khi thực hiện đăng ký thủ tục lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống.
Cổng được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, cho phép trả lời tự động các thắc mắc của người dân. Ngoài ra, với chức năng tiếp nhận, xử lý phản ánh trong giải quyết thủ tục hành chính, Cổng cũng sẽ phân tích, tổng hợp, phân hạng kết quả đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Với việc ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia, người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký và ghi nhớ một tài khoản để truy cập hệ thống, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu trạng thái, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, thông tin về cơ quan cung cấp dịch vụ công mà không bị phụ thuộc vào thời gian và giới hạn địa giới hành chính.
Với những lợi ích đem lại cho người dân và doanh nghiệp, số liệu tính từ ngày 9/12/2019 đến ngày 13/2/2020, trên cổng dịch vụ công quốc gia đã có 9/22 Bộ, cơ quan, 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp; 51.780 tài khoản đăng ký với trên 11,4 triệu lượt truy cập...
Với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ Công quốc gia. Xác định việc triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các cổng dịch vụ công của các Bộ ngành và địa phương nhằm phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên không gian mạng, VNPT đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn VNPT. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 Tỉnh thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.
Không chỉ được Chính phủ lựa chọn xây dựng Cổng DVCQG, mới đây, Tập đoàn VNPT còn là 1 trong 04 đơn vị được lựa chọn cung cấp dịch vụ Thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Trung tâm VNPT Fintech thuộc Tập đoàn VNPT đã đưa các tính năng dịch vụ VNPT Pay vào cung cấp cho Cổng DVCQG gồm: thanh toán phí của các dịch vụ công bằng ví VNPT Pay và cổng thanh toán (thẻ, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế của tất cả các ngân hàng).