UBND tỉnh An Giang vừa phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. Đây là giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quá trình chuyển đổi số, mô hình chính quyền số đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 9/9/2021, UBND tỉnh ban hành Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là 1 trong 5 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025). Chương trình tập trung 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trên cơ sở đồng ý chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo 32-TB/TU, ngày 17/3/2021 về việc phối hợp VNPT triển khai thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp VNPT An Giang xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thử nghiệm Trung tâm IOC. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường thông tin: “Xây dựng và phát triển IOC tỉnh An Giang là giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển chính quyền số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Trong chuyển đổi số, dữ liệu số là tài nguyên quý nhất, phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành và tạo ra giá trị phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, xây dựng IOC tỉnh nhằm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững”.
Với nhiều nỗ lực, đến nay, Trung tâm IOC tỉnh đã hoàn thành công tác chuẩn bị, hoàn thành triển khai hệ thống phần cứng, phần mềm. Giai đoạn thử nghiệm, IOC tỉnh đã tích hợp 10 lĩnh vực, gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; giải quyết thủ tục hành chính; quản lý văn bản điện tử; giáo dục; y tế; du lịch; lưu trú; hệ thống camera an ninh; giám sát thông tin mạng xã hội; tiếp nhận phản ánh của người dân. Hiện, dữ liệu của các lĩnh vực được kết nối thời gian thực về IOC tỉnh và hiển thị trực quan trên hệ thống, toàn bộ dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
“Tuy mới triển khai thử nghiệm, nhưng Trung tâm IOC tỉnh An Giang có một số điểm nổi bật, như: Tích hợp các chỉ tiêu, số liệu báo cáo kinh tế - xã hội từ hệ thống LRIS của tỉnh (theo thời gian thực), phục vụ công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh. Kết nối trực tiếp, đồng bộ số liệu lưu trú trên địa bàn tỉnh từ hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến. Tích hợp hệ thống camera an ninh các địa phương vào IOC tỉnh” - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường nói.
Vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Trung tâm IOC tỉnh An Giang là bước tiến quan trọng, là sự khởi đầu cho một quá trình xây dựng, phát triển lâu dài trong tiến trình phát triển đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số của tỉnh. Trung tâm sẽ là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của tỉnh, được ví như “bộ não số” trong các hoạt động của mô hình chính quyền số và đô thị thông minh của tỉnh.
Với khả năng thực hiện việc tổng hợp, phân tích, đánh giá dữ liệu lớn, trung tâm giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp gia tăng tương tác, góp phần cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện, cung cấp đầy đủ dữ liệu trong các lĩnh vực, đảm bảo dữ liệu phải “đủ, đúng, sạch, sống” và kết nối với IOC tỉnh để phục vụ công tác điều hành nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Thủ trưởng các đơn vị phải căn cứ số liệu tại IOC tỉnh để chỉ đạo, điều hành công tác một cách công khai, minh bạch, khoa học.
Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong việc tổ chức vận hành trung tâm; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, sử dụng dịch vụ; phát huy hiệu quả IOC tỉnh, là kênh thông tin để người dân, doanh nghiệp phản ánh kiến nghị với chính quyền những vấn đề thiết yếu… UBND tỉnh đề nghị VNPT An Giang tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ tham gia vận hành IOC tỉnh, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt 24/7…
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc Tập đoàn VNPT nói chung, VNPT An Giang nói riêng tài trợ cho tỉnh xây dựng, thử nghiệm Trung tâm IOC là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh An Giang phát triển.
Theo Báo An Giang
https://baoangiang.com.vn/an-giang-day-nhanh-phat-trie-n-chinh-quyen-so-chuye-n-do-i-so--a336289.html