Với quyết tâm đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt các giải pháp công nghệ trên nhiều lĩnh vực nhằm tối ưu hóa các hoạt động quản lý, điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Nỗ lực chuyển đổi số
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Tuấn cho biết, năm 2021 được xem là một năm có nhiều đột phá nhất trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh.
Theo đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4; là tỉnh thứ 8 và là tỉnh đầu tiên khai trương mạng 5G sau khi đợt dịch lần 4 được cơ bản kiểm soát. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hỗ trợ tạo lập 9.000 tài khoản cho hộ sản xuất nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử; thử nghiệm tổng đài giải đáp dịch vụ công tự động dựa trên công nghệ AI.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số trên nền tảng di động vào cổng dịch vụ công của tỉnh; đưa vào hoạt động sàn thương mại du lịch...
Với khối lượng công việc rất lớn, thuộc 5 lĩnh vực, gồm: đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn - biến đổi khí hậu, biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường là 1 trong 7 sở, ngành, địa phương của tỉnh được ưu tiên chọn triển khai mô hình “đô thị thông minh, chính quyền điện tử”.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Huỳnh Quang Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở đã hoàn thành xây dựng sổ tay quản lý đất đai chạy trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS, triển khai đến phòng tài nguyên và môi trường, UBND các cấp để truy cập cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý ở địa phương. Hoàn thành ứng dụng Quản lý đất công, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất, với tổng diện tích trên 11.104 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và doanh nghiệp trên Internet…
Sở cũng đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và môi trường mạng mức độ 3, 4; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính. Mục tiêu của đề án “Phát triển đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020 - 2022, định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành đô thị thông minh với trọng tâm là xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh tập trung của tỉnh.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Theo đó, Tập đoàn VNPT đã xây dựng thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 10 phân hệ chức năng, gồm: Giám sát, điều hành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Giám sát, điều hành lĩnh vực y tế; Giám sát, điều hành lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Giám sát, điều hành lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Giám sát, điều hành lĩnh vực du lịch; Hệ thống giao tiếp công dân (phản ánh hiện trường); Giám sát, điều hành lĩnh vực hành chính công; Giám sát, điều hành tình hình an ninh trật tự; Giám sát, điều hành thông tin mạng xã hội; Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến thời điểm hiện tại, các hạng mục xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch, bao gồm: hạ tầng phòng điều hành, hệ thống phần mềm lõi và các lĩnh vực, hệ thống camera an ninh, hệ thống giám sát, hệ thống giao tiếp người dân; đã tổ chức hướng dẫn, bàn giao tài khoản sử dụng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dùng thử và góp ý kiến; lắp đặt hệ thống màn hình hiển thị thông tin tại Văn phòng Tỉnh ủy và Văn phòng UBND tỉnh. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất mô hình xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh, địa phương thuộc tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan về tình hình triển khai thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Tuấn cho biết, mô hình này lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đồng thời, tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
“Bà Rịa - Vũng Tàu xác định việc xây dựng và phát triển đô thi thông minh không chỉ là ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc trang bị cho nguồn nhân lực những kỹ năng cần thiết là rất quan trọng, không chỉ là những kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, mà còn phải là kỹ năng nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo không ngừng”, ông Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Theo Doanh nghiệp Việt Nam