”VNPT chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực Châu Á vào năm 2025, qua đó khẳng định vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế” - ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, chia sẻ trong câu chuyện đầu năm với Pháp luật Việt Nam.
Không ngừng đầu tư hạ tầng cho chuyển đổi số
- Theo Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế… Quan điểm của VNPT về vấn đề này như thế nào?
Như các bạn đã biết, Nghị quyết số 52-NQ/TW mới đây đã chỉ rõ, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế.
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số cần được hiểu bao gồm rất nhiều lĩnh vực: Hạ tầng thể chế, hạ tầng hạ tầng kết nối (4G, 5G, cáp quang), hạ tầng công nghệ (Iot, blockchain, AI, Cloud), hạ tầng nhân lực... Trong đó tôi cho là hạ tầng về thể chế cần phải đi trước một bước. Bởi vì khi chúng ta đưa thế giới thực lên thế giới ảo thì phải có hành lang pháp lý để đảm bảo nó vận hành trong khuôn khổ.
Song hành với hoàn thiện hạ tầng về thể chế, các hạ tầng khác cần được phát triển đồng bộ. VNPT hiểu rõ vai trò của hạ tầng trong chuyển đổi số, do đó chúng tôi suốt nhiều năm qua đã không ngừng đầu tư cho các hạ tầng này.
Cụ thể, về hạ tầng kết nối, VNPT đã đầu tư mở rộng vùng phủ 4G trên 63 tỉnh TP, mạng 5G đang được triển khai thử nghiệm tại TP HCM. Mạng băng rộng cáp quang phủ tới tất cả các xã trên toàn quốc, thúc đẩy triển khai mạng 5G.
Về hạ tầng công nghệ, quan điểm của chúng tôi là để thực hiện được vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, VNPT phải nghiên cứu và làm chủ các công nghệ nền tảng. Đó là Iot, blockchain, AI, Cloud. Thực tế trong thời gian, việc hợp tác và đẩy mạnh nghiên cứu đã giúp tăng cường hàm lượng công nghệ mới trong dịch vụ số mà VNPT cung cấp ra thị trường. Điều đó cũng sẽ tạo ra khác biệt về các giải pháp số của VNPT so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT
Về phát triển dịch vụ số, VNPT đã xây dựng các giải pháp tổng thể cho từng lĩnh vực và triển khai sâu rộng các giải pháp đó trên toàn quốc, như dịch vụ vnEdu (trong lĩnh vực giáo dục), VNPT HIS (trong lĩnh vực Y tế), các ứng dụng CNTT cho khối doanh nghiệp với nhiều giải pháp VNPT- Check, VCC, VNPT- Tracking, VNPT- Pharmacy… Đồng thời Tập đoàn cũng tăng cường hợp tác với các ngành, các Tập đoàn kinh tế trọng điểm để cùng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Nói đến dịch vụ số, chúng tôi nói đến “Dải ngân hà số”
- Thời gian vừa qua, VNPT đã tham gia hỗ trợ các địa phương triển khai chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Vậy, VNPT đang xây dựng nền tảng (platform) thành phố thông minh như thế nào để phù hợp với từng địa phương?
Chính phủ điện tử và thành phố thông minh thực ra là tên của một bộ giải pháp chứ không phải một giải pháp đơn thuần. Ví dụ như để có một đô thị thực sự gọi là thông minh, sẽ phải có hệ thống giám sát thông minh, điều hành thông minh, giao thông thông minh… và cả các công dân số.
Do đó, ở Tập đoàn VNPT, khi nói đến dịch vụ số, chúng tôi nói đến một khái niệm gọi là “Dải ngân hà số”. Ở dải ngân hà số của VNPT sẽ có đầy đủ các dịch vụ số được kết nối với nhau để tạo thành một xã hội số thông minh. Trong xã hội số đó, sẽ có Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh, Doanh nghiệp số và những Công dân số.
Với một dải ngân hà số như vậy, VNPT có khả năng tùy chỉnh rất linh hoạt các giải pháp của mình theo nhu cầu của từng địa phương. Tỉnh nào có nhu cầu về một thành phần nào trong bộ giải pháp Chính phủ điện tử hay Thành phố thông minh, VNPT triển khai thành phần đó.
Đồng thời, nhờ việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng như tôi đã nói ở trên, VNPT có khả năng tùy chỉnh tính năng các ứng dụng theo nhu cầu từng địa phương. Điều đó giúp VNPT có thể tháo gỡ những vướng mắc mang tính đặc trưng của mỗi tỉnh.
Bốn điểm nhấn của năm 2019
- Năm 2019 đã khép lại, vậy đâu là điểm nhấn đáng chú ý nhất của VNPT năm qua, thưa ông?
Năm 2019, VNPT tiếp tục bám sát chiến lược VNPT 4.0 đã đề ra trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Với bản lề là việc thành lập công ty VNPT IT từ năm 2018, năm 2019 chúng tôi đã chuyển dịch mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số.
Năm 2019, VNPT đã triển khai rất nhiều dự án cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Có thể kể đến là hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Văn phòng không giấy tờ… Cùng với đó là triển khai giải pháp Chính phủ điện tử cho 61/63 tỉnh/TP, Thành phố thông minh cho 28 tỉnh… Sự phát triển mạnh về số lượng giúp doanh thu lĩnh vực CNTT của VNPT cũng tăng ấn tượng, lên con số hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể nói, sự phát triển ấn tượng cả về độ phủ, chất lượng các giải pháp, nhân lực và doanh thu trong lĩnh vực CNTT chính là điểm nhấn của VNPT trong năm 2019.
- Xin cám ơn ông!
+ Năm 2019, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận Tập đoàn đạt 7.100 tỷ đồng bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018.
5 năm tái cơ cấu, VNPT duy trì được tốc độ tăng lợi nhuận ấn tượng bình quân trên 20%/năm. Tổng doanh thu 05 năm đạt 265.870,5 tỷ đồng.
Theo Pháp luật TP.HCM
https://baophapluat.vn/doanh-nhan/chuyen-ve-dai-ngan-ha-so-cua-vnpt-490896.html