Những thách thức do dịch COVID-19 "bủa vây" cũng là chất "xúc tác" thúc đẩy các DN và Chính phủ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Đó chính là "chìa khoá" để thích ứng và vượt qua thách thức.
Tại Diễn đàn Tài chính trực tuyến 2021 do Thời báo Tài chính phối hợp với một số đơn vị vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng cần biến khó khăn do dịch bệnh bủa vây thành động lực chuyển mình. Phó Tổng Giám đốc VNPT, Chủ tich VNPT Media Ngô Diên Hy đã có những chia sẻ rất khách quan và sát thực.
Từ góc nhìn DN, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực chuyển đổi số Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Chủ tịch VNPT Media cho rằng tác động của dịch COVID-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là "sức ép" buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, DN nào tiếp cận được khách hàng qua online nhiều nhất sẽ ít bị thiệt hại nhất. Ngược lại, sự chậm trễ trong chuyển đổi số khiến DN dễ bị tổn thương. Do đó, việc đổi mới cách thức quản trị, tích tụ dữ liệu thông minh cho DN, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Riêng với lĩnh vực ngân hàng, ngay từ năm 2020, NHNN đã cho phép triển khai mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Điều này giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc và trong bối cảnh dịch COVID-19, các ngân hàng vẫn có thể phát triển giao dịch mở tài khoản từ xa.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT , Chủ tịch VNPTMedia tham dự Diễn đàn Tài chính trực tuyến 2021
Tuy nhiên, theo đại diện VNPT, dù Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số nhưng hoạt động này trên thực tế diễn ra vẫn chưa đồng đều, trong đó, các cơ quan Nhà nước thường chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế của DN. Từ đó, ông Ngô Diên Hy cho rằng để thích ứng, các cơ quan Nhà nước cũng cần triển khai chuyển đổi số đồng đều hơn, coi đây là thời điểm đẩy nhanh tiến trính số hóa, cải cách.
"Trước đây, chúng tôi làm việc, cung cấp những sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, với các ngành giáo dục, y tế... Trong quá trình đó, chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái rất đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực như chính quyền số, y tế số, giáo dục số, tài nguyên và môi trường, quản trị doanh nghiệp...
Ví như trong phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), 3 yếu tố quan trọng cần được đưa ra. Thứ nhất là dữ liệu, với VNPT, nguồn dữ liệu dồi dào là 30 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông cũng như nhiều triệu khách hàng đang sử dụng các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số. Thứ hai, về nguồn nhân lực, chúng tôi đã có một lực lượng kỹ sư, nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong nước cũng như nước ngoài đã tham gia. Vấn đề thứ ba, sau khi công nghệ đã được áp dụng rộng rãi, AI sẽ trở nên bình dân hơn thì một trong những mục tiêu mà chúng ta phải xây dựng khi xây dựng hạ tầng số cho nền kinh tế.
Trong những năm vừa qua, chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp và xây dựng hạ tầng tính toán và trong tham vọng sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng những trung tâm hạ tầng tính toán và phục vụ cho AI để có thể cung cấp các hạ tầng cho các doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam."
Với vai trò mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác. Ngành Tài chính là một trong những bộ, ngành đã tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, trong đó, đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tới năm 2030, Bộ Tài chính phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.