Thời gian qua, Tập đoàn VNPT đã có nhiều nỗ lực đồng hành thực hiện chuyển đổi số cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa hạ tầng số và các hệ thống CNTT vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Chuyển đổi số: Góc nhìn từ VNPT
Chuyển đổi số hiện đang được xem là cuộc cách mạng của toàn dân, và nó chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp… nhằm hướng tới mục tiêu: Không ai bị bỏ lại phía sau.
Toàn cảnh hội thảo
Thông điệp này đã được nêu rõ trong Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long” vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ với sự tham dự của Lãnh đạo và đại diện các bộ ngành Trung ương, Lãnh đạo của 13 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Về phía VNPT, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Nam Long đã tham dự hội thảo.
Diễn ra với 01 phiên thảo luận chung và 02 phiên chuyên đề về Kinh tế và Chính phủ số, hội thảo là dịp để giới thiệu những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong triển khai chuyển đổi số tại các địa phương ĐBSCL, từ đó có thể lan tỏa và nhân rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn khu vực. Đại diện các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp số cũng đã có những đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số tại ĐBSCL nói riêng.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình, chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Việc nhận thức về chuyển đổi sớm song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Nam Long tại hội thảo (hàng trên, thứ 3 từ trái sang)
Tập đoàn VNPT với vai trò là doanh nghiệp chủ lực, nền tảng từ hạ tậng mạng VT-CNTT và hạ tầng số, đã và đang khẳng định rõ nét vai trò dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, với việc thực hiện và đồng hành triển khai hàng loạt dự án trọng điểm của đất nước, các bộ ngành và địa phương về CSLD lớn tích hợp công nghệ hiện đại, các Hệ thống thông tin và điều hành thông minh, các phần mềm lõi được vận hành trong các hệ thống thông tin xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.
Có thể thấy rõ, thời gian qua Chuyển đổi số đã tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Và cũng chính vì vậy, Chính phủ đã có hàng loạt hành động cụ thể thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc.
Với Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đây là khu vực có vai trò vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cả nước, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp với đóng góp hiện chiếm 31,37% GDP toàn ngành, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% thủy sản và 70% về trái cây. Đặc biệt là chiếm tới 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước. Hội thảo cũng chỉ ra, tuy có tiềm năng và lợi thế lớn nhưng khu vực ĐBSCL hiện phát triển vẫn chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn, đặc biệt về cơ chế, chính sách cũng như hạ tầng chiến lược.
Giải pháp về công nghệ của Tập đoàn VNPT
Tại các phiên trong hội thảo này, các chuyên gia đến từ VNPT đã có những tham luận và tọa đàm trao đổi về các giải pháp công nghệ của Tập đoàn đã, đang triển khai hiệu quả cho nhiều bộ ngành và địa phương trên cả nước, sẵn sàng thực hiện triển khai tiếp cho khu vực kinh tế trọng điểm ĐBSCL
Giới thiệu về Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia - NSDI, đại diện VNPT cho biết, hiện Việt Nam đã có đầy đủ hệ thống pháp lý để triển khai NSDI, trong đó hạ tầng dữ liệu không gian địa lý có vai trò rất quan trọng, ví dụ như về đất đai, tài nguyên, nông nghiệp. Việc bây giờ là cần thiết phải thống nhất một khung tiêu chuẩn, sàn dữ liệu của quốc gia, của vùng để tránh cát cứ thông tin và dữ liệu về lĩnh vực này. ĐBSCL có nhiều thuận lợi để triển khai NSDI để phát triển cho cả vùng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Nam Long tại hội thảo (hàng trên, thứ 3 từ trái sang)
Theo chuyên gia đến từ VNPT phân tích, dữ liệu tài nguyên môi trường có liên hệ rất sâu với ngành nông nghiệp. Việc nuôi con gì, trồng cây gì nên nghiên cứu dựa trên các dữ liệu này để cập nhật thông tin đầy đủ và khoa học. Vì thế, cần thiết phải hình thành hệ thống dữ liệu của ĐBSCL về tài nguyên, đất đai, nông nghiệp và môi trường để phục vụ cho phát triển chung trong khu vực.
Mô hình thành công từ việc triển khai Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS cho tỉnh Cà Mau cũng đã được đưa ra trong hội thảo, với kết quả thực hiện hết sức tích cực. Đặc biệt trong đó, việc đội ngũ CNTT của Tập đoàn đã “thần tốc” trong 25 ngày xử lý xong việc tương thích của CSDL đất đai khi chuyển hồ sơ địa chính từ sở chuyên ngành sang các cơ quan thuế. Việc khẩn trương hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành khai thác VNPT iLIS tỉnh Cà Mau đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận được thông tin về đất đai, quy hoạch cũng như việc giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng ban Chuyển đổi số tài nguyên, môi trường và nông nghiệp của Tập đoàn tham luận tại hội thảo
Trong phiên tọa đàm các bên tại hội thảo, trao đổi về câu hỏi liên quan đến việc phát triển hạ tầng ở ĐBSCL, một chuyên gia khác của VNPT cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục ưu tiên triển khai cho các tỉnh trong khu vực. Về hạ tầng thông tin dữ liệu địa lý, từ việc triển khai thành công cho Cà Mau sẽ nhân rộng mô hình cho các tỉnh còn lại, nhân rộng mô hình để người dân dễ dàng trải nghiệm, sử dụng.
Với câu hỏi của đại biểu TP. Cần Thơ về việc đồng hành với tổ công nghệ số cộng đồng, chuyên gia khác của VNPT cho hay, hiện VNPT trên địa bàn đã và đang đồng hành với chuyển đổi số cùng chính quyền và người dân. Các VNPT địa bàn đang triển khai 4 chương trình cụ thể, trong đó có hỗ trợ, tập huấn nhiều nội dung chuyển đổi số cho người dân cũng như các đoàn thể, đơn vị ở địa phương.
Ông Lê Đặng Đăng Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm 5 của Công ty VNPT IT (thứ 2 từ trái sang) tham gia tọa đàm