Thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang tạo ra một bước ngoặt trong việc cải cách thủ tục hành chính. Tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho dân, đồng thời tăng tính minh mạch trong thu ngân sách là những lợi ích thấy rõ của hình thức thanh toán này.
Đến thời điểm hiện tại, 169 dịch vụ công trực truyến mức độ 3, 4 đã được đưa lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, các dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công cũng đang được triển khai trên hệ thống này.
Với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, việc triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG được xem là giải pháp mang lại lợi ích không nhỏ cho cả người dân và các cơ quan nhà nước.
Tăng tính minh bạch
Có thể thấy, thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG đang được kỳ vọng là giải pháp giúp công tác quản lý thuế, phí được minh bạch và chính xác.
Tại "Hội nghị trực tuyến công bố bổ sung 11 dịch vụ công tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, sơ kết 3 tháng vận hành và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ" vừa diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc đưa vào tích hợp 11 dịch vụ công, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí rất lớn, giảm biên chế, mà còn góp phần phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, khi sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG, các khoản thuế, phí, lệ phí sẽ được công khai cụ thể đến người dân. Từ đó, người dân sẽ giải tỏa được tâm lý băn khoăn không biết lệ phí mình nộp có đúng do nhà nước quy định hay không; việc nộp phí hay tiền phạt có chảy về ngân sách nhà nước hay không,…
Thuận tiện cho người dân
Trước đây, người dân thường phải tốn khá nhiều thời gian chờ đợi, di chuyển để đóng các loại thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, nếu được áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến, người dân sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Hiện nay, một số dịch vụ được người dân quan tâm như Nộp phí phạt vi phạm giao thông, Thuế cá nhân và Lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy đã được triển khai hình thức thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Trong đó, dịch vụ thu tiền phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang nhận được nhiều sự chú ý.
Với hình thức truyền thống, để nộp phạt vi phạm này, người dân thường phải đến cơ quan công an hoặc bưu điện để nhận quyết định xử phạt, rồi đến kho bạc để nộp phạt, sau đó quay về nơi ra quyết định xử phạt trình biên lai đóng tiền để được nhận lại các loại giấy tờ. Cách thức nộp phạt và nhận lại giấy tờ vi phạm như vậy mất không ít thời gian và chi phí đi lại, chờ đợi.
Bởi vậy, việc áp dụng thanh toán trực tuyến với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng DVCQG với sẽ giải quyết những bất cập này. Khi đó, người dùng có thể lựa chọn 2 trường hợp thanh toán và nhận kết quả: Thứ nhất là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt; thứ hai là thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà.
Trường hợp người dùng chọn thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà sẽ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để trả kết quả tại nhà cho người dân. Với việc thanh toán trực tuyến, Hiện tại, chỉ có hai ngân hàng TMCP là Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) được tích hợp để thanh toán trên Cổng DVCQG.
Tuy nhiên, người dân có thể kết nối và thanh toán với hơn 30 ngân hàng khác thông qua cổng thanh toán của VNPT Pay. Danh mục các ngân hàng mà VNPT Pay kết nối bao gồm hầu hết các ngân hàng phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam như: Agribank, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, Techcombank, Maritime Bank, MB Bank, BIDV, Ocean Bank, TP Bank, Exim Bank, ACB, Ngân hàng Nam Á, SCB, SHB, ABBank, HD Bank, Ngân hàng Đông Á, Bảo Việt Bank, GPBank, LienVietPostBank, SeaBank, VIB… Ngoài ra, người dân có thể lựa chọn thêm hình thức thanh toán qua ví điện tử VNPT Pay.
Như vậy có thể thấy, với sự tích hợp cổng thanh toán VNPT Pay, Cổng DVCQG đã sẵn sàng về các kênh thanh toán, tạo sự thuận tiện nhất để người dân sử dụng. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến sẽ góp phần phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan virus ra cộng đồng.