16:58 19/08/2020

Thêm 3 dịch vụ công trực tuyến, mỗi năm tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng


Với việc có thêm 3 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia từ hôm nay (19/8), ước tính mỗi năm xã hội sẽ tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng. Văn phòng Chính phủ ước tính, với việc có thêm 3 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia từ hôm nay, thì mỗi năm xã hội sẽ tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng.

Sáng nay (19/8), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lễ khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công trực tuyến thứ 1.000 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG).

Trong 3 dịch vụ công trực tuyến mới được giới thiệu với người dân và doanh nghiệp trên Cổng DVCQG, dịch vụ thứ 1.000 - kê khai, nộp lệ phí trước bạ mức độ 4 và cấp đăng ký, biển số xe mức độ 3 thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỉ đồng/năm.

Dịch vụ này giúp người dân, doanh nghiệp có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời, chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe.

Dịch vụ thứ 999 - liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất); đồng thời, giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan. Nếu thực hiện dịch vụ liên thông điện tử, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm, theo đó chi phí tiết kiệm của xã hội hàng năm tối thiểu khoảng hơn 344 tỉ đồng/năm.

Dịch vụ thứ 998 - Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Do đó, nếu thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công cho việc thực hiện thủ tục này. Ước tính số tiền tiết kiệm của toàn xã hội khoảng hơn 1.329 tỉ đồng/năm.

Tiến tới công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử

Trong khi đó, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào vận hành được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số.

Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, được kết nối với các trung tâm điều hành, hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ trung tâm, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị xây dựng, vận hành và phát triển Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Cổng dịch vụ công phục vụ công tác quản lý và điều hành của Chính Phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, việc đưa lên Cổng DVCQG dịch vụ thứ 1.000, gồm những dịch vụ thiết yếu với người dân, doanh nghiệp là cơ sở để hình thành công dân, doanh nghiệp điện tử, góp phần hình thành nền kinh tế số.

Thủ tướng lưu ý, Cổng DVCQG càng ngày phải thân thiện, tạo thuận lơi cho người dân, tiếp tục được giới thiệu, phổ cập rộng rãi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với hệ thống báo cáo, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương chuẩn hoá hệ thống, kết nối, tích hợp dữ liệu của các bộ, tỉnh, ngành mình với Chính phủ. Không để tình trạng cát cứ thông tin, làm chệch số liệu để lấy thành tích.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng đã trao đổi trực tuyến với lãnh đạo các địa phương là Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh… để nghe báo cáo về việc thực hiện các chỉ tiêu cơ bản kinh tế - xã hội của các địa phương này thông qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của các địa phương.

Theo Thanh niên

Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại