Sáng ngày 01/11, tại trụ sở VNPT đã diễn ra lễ công bố các Quyết định về công tác cán bộ và bàn giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn. Dự buổi lễ có lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ TT&TT cùng đại diện các ban ngành của Đảng và Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương.
Sau 37 năm 11 tháng làm việc, cống hiến cho sự phát triển của ngành Bưu điện nói chung và của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT nói riêng, ngày hôm nay (1/11), ông Trần Mạnh Hùng chính thức nghỉ hưu theo chế độ. Trong quá trình gần 38 năm cống hiến cho ngành Bưu điện nói chung và VNPT nói riêng, ông Trần Mạnh Hùng đã kinh qua nhiều vị trí công tác, các chức vụ khác nhau và ghi dấu ấn trong nhiều lĩnh vực hoạt động công tác.
Từ hôm nay (1/11), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng nghỉ hưu theo chế độ
Ông Trần Mạnh Hùng bắt đầu công tác tại Tập đoàn VNPT từ năm 1980, với vị trí kỹ thuật tại Trung tâm Viễn thông I - Tổng cục Bưu điện. Sau đó trải qua rất nhiều vị trí, từ trưởng trạm, phó đài, rồi phó giám đốc Công ty Viễn thông Quốc tế. Năm 1996, ông Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm làm Trưởng ban Viễn thông của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam trước đây. Năm 1999, ông Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VNPT. Đến năm 2007, ông Trần Mạnh Hùng giữ chức thành viên HĐTV của VNPT và Giám đốc Viễn thông Hà Nội.
Năm 2013, chỉ ít ngày sau khi được giao phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, ông Trần Mạnh Hùng đã đưa ra chiến lược của Tập đoàn gồm 6 chữ: “Chuyên biệt, khác biệt, hiệu quả”. Đây là kim chỉ nam cho suốt giai đoạn 5 năm tái cấu trúc Tập đoàn vừa qua. Trên cương vị Tổng Giám đốc Tập đoàn, trong giai đoạn đầu tái cấu trúc, khi tinh thần nhiều người lao động đang đi xuống, ông Trần Mạnh Hùng đã có phát biểu mạnh mẽ về khát vọng của mình: 'Khát vọng của tôi là đưa VNPT trở lại ngôi vị số 1'. Thông điệp này đã thổi luồng sinh khí, tạo động lực, vực dậy tinh thần của rất nhiều người VNPT lúc ấy.
Năm 2015, cũng chỉ ít ngày sau khi nhậm chức Chủ tịch Tập đoàn VNPT, ông Trần Mạnh Hùng đã phát đi thông điệp cải tổ mạnh mẽ tới tất cả các đơn vị: “Đa số các đơn vị khi tổng kết ít nói đến những tồn tại của mình, cùng lắm chỉ nói đến bài học kinh nghiệm. Nếu có bệnh, nhưng không nói thì khó chữa. Khi nói đến tồn tại thì sẽ có giải pháp khắc phục”.
Giai đoạn 2015-2016, khi Tập đoàn bước vào đổi mới toàn diện với việc sắp xếp lại mô hình tại rất nhiều đơn vị. Nhiều cán bộ tỏ ra mệt mỏi, ngại thay đổi, ông Trần Mạnh Hùng đã khẳng định: “Đổi mới là tất yếu”. Đầu năm 2019, trong bối cảnh Tập đoàn chuyển đổi mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số, ông Trần Mạnh Hùng ra lời kêu gọi cán bộ trong Tập đoàn: “Mỗi người VNPT phải tự chuyển đổi chính mình để Tập đoàn trở thành trụ cột trong chuyển số quốc gia”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã đánh giá, có thể nói, giai đoạn mà ông Trần Mạnh Hùng nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn VNPT gắn chặt với công cuộc tái cấu trúc toàn diện nhất của Tập đoàn. Đó là một giai đoạn "mang tính lịch sử của Tập đoàn" với hàng loạt biến động về mô hình tổ chức, cách thức quản trị và nhân sự. Đó cũng là giai đoạn mà VNPT đối mặt với những thách lức vô cùng to lớn. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hùng đã lãnh đạo Tập đoàn vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động, gặt hái rất nhiều kết quả đáng tự hào.
Trong bối cảnh vừa phải tập trung nhân lực để triển khai tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức một cách toàn diện, vừa thực hiện tổ chức lại hoạt động SXKD trong toàn Tập đoàn... song trong 5 năm qua, Tập đoàn VNPT cũng vẫn đảm bảo tốt hoạt động SXKD, duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ở mức rất cao. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 5 năm đạt trên 25%; Thu nhập bình quân theo đầu người liên tục tăng sau các năm…
Tập đoàn đã sớm xây dựng chiến lược VNPT 4.0 để chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số. Các công cụ quản trị tiên tiến trên thế giới cũng được VNPT triển khai áp dụng, từ đó có những đánh giá chính xác, khách quan kết quả công việc từng người, giúp trả lương tương xứng với kết quả mà họ mang lại. Điều này cũng đồng thời giúp VNPT quản trị tốt nguồn nhân lực. Nhiều cán bộ trẻ thế hệ 7x, 8x có năng lực được giao nắm giữ các vị trí chủ chốt, qua đó đào tạo cho Tập đoàn một nguồn nhân lực kế cận có chất lượng cao.
Ông Trần Mạnh Hùng (bìa trái) và ông Phạm Đức Long (bìa phải) cùng ký bàn giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT
Cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cũng như đánh giá cao của các cấp lãnh đạo cũng như sự phối hợp, đồng hành của những cộng sự trong thời gian công tác, phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Mạnh Hùng cũng đã tin tưởng, với tinh thần làm việc đoàn kết, nhất trí cao, đội ngũ lãnh đạo của VNPT trong giai đoạn sắp tới sẽ sáng tạo hơn, có nhiều sáng kiến đột phá, giúp cho VNPT khẳng định vị thế chủ lực, là trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Là Tập đoàn hàng đầu về VT-CNTT chuyên cung cấp các dịch vụ số, ông Hùng cho rằng, các đơn vị thành viên phải tập trung mọi nguồn lực để phát huy tốt vai trò của mình, phải làm sao để tạo ra được những sản phẩm - dịch vụ sáng tạo có tính cạnh tranh cao, có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm ra rồi phải có kênh bán hàng chuyên nghiệp, tiếp tục hiện đại hóa. Các thế hệ người VNPT sau này phải tiếp tục phát huy, tạo thêm nhiều những giá trị mới để VNPT phát triển ra cấp khu vực, quốc tế, đúng như mục tiêu chiến lược của chúng ta tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 2129. Quan trọng hơn cả, VNPT phải ngày càng vững mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn với các đối thủ nước ngoài.
Cũng tại buổi lễ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp và Ban thường vụ Đảng ủy khối Doanh nghiệp trung ương cũng đã trao quyết định giao ông Phạm Đức Long, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhiệm vụ phụ trách Hội đồng thành viên, phụ trách Đảng bộ Tập đoàn VNPT.
Trước nhiệm vụ vừa được giao phó, ông Phạm Đức Long cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT sẽ quyết tâm tiếp tục đổi mới, tái cơ cấu để làm sao thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là chiến lược VNPT 4.0, giúp VNPT chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số với mục tiêu phát triển ra khu vực, quốc tế, đúng như mục tiêu chiến lược tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.