09:41 15/04/2020

VNPT đang đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi số


Với VNPT, những năm tới chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Không chỉ dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, VNPT đặt mục tiêu trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, Tập đoàn VNPT sẵn sàng mang tất cả mọi nguồn lực để đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Đồng thời, VNPT cũng đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, ứng dụng số để vừa góp phần chống dịch bệnh Covid-19 vừa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam”. Đó là chia sẻ của ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái trao đổi với báo chí

- Phóng viên: Những ứng dụng do VNPT phát triển tham gia xây dựng Chính phủ điện tử là Cổng Dịch vụ công quốc gia và Trục liên thông văn bản quốc gia đã phát huy được tác dụng như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông TÔ DŨNG THÁI: Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tháng 3-2020 tăng rất cao, gấp đôi so với những tháng trước đó. Lưu lượng truy cập Internet tháng 3-2020 cũng tăng trên 40% so với cùng kỳ. Con số thống kê này cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các dịch vụ công trực tuyến đang trở thành một công cụ hữu hiệu cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Trong điều kiện cần hạn chế tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh, cùng với các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ của Chính phủ đã mang đến sự gia tăng rõ rệt người sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Sau gần bốn tháng đi vào hoạt động, từ đầu tháng 12-2019, đến nay trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã có hơn 104.000 tài khoản đăng ký với 27,7 triệu lượt truy cập, trên 4,3 triệu lượt hồ sơ đồng bộ trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đặc biệt đã có trên 23.000 hồ sơ xử lý thành công trên cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ 8 nhóm dịch vụ công ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Do đó, việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến là một biện pháp hiệu quả phòng dịch trong thời điểm này, đồng thời thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử lâu dài.

Cổng Dịch vụ công quốc gia do VNPT xây dựng đang ngày càng phát huy vai trò trong việc phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT-TT, VNPT sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp các dịch vụ cung cấp trên cổng. Đồng thời tham gia xây dựng và triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc… Để tăng cường năng lực mạng lưới cho cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố, VNPT đã thực hiện chuyển đổi và nâng cấp kết nối cho kết nối từ hệ thống IDC VNPT về mạng Cục Bưu điện Trung ương, nâng gấp 2 băng thông phục vụ cho các dịch vụ công của Văn phòng Chính phủ và các tỉnh thành trên cả nước.

- Theo Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn của đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội cho chuyển đổi số quốc gia mà các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông Việt Nam cần tận dụng, khai thác để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ công trực tuyến cũng như những dịch vụ khác của nền kinh tế số. VNPT đã xây dựng Chiến lược VNPT 4.0 trong đó định vị VNPT phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ số của châu Á vào năm 2030. Vậy VNPT sẽ tận dụng cơ hội để thực hiện những mục tiêu này như thế nào?

Trong dự thảo Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Bộ TT-TT xây dựng trình Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử. Kinh tế số chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội. Với VNPT, những năm tới chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn quyết định số mệnh của VNPT. Chúng tôi xác định trước khi muốn đóng vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi nền kinh tế số thì bản thân VNPT phải chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Chúng tôi đặt mục tiêu VNPT phải giữ vai trò chủ đạo trong cách mạng số tại Việt Nam. Nghĩa là, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.

Như đã nhiều lần đề cập, ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, VNPT đã đồng hành cùng cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân với rất nhiều các giải pháp, dịch vụ được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, kịp thời. Từ việc tăng băng thông cho Cổng dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh thành để đáp ứng lưu lượng truy cập tăng cao, cho tới việc tiên phong cung cấp gói dịch vụ V-Com được tích hợp gần như đầy đủ các dịch vụ số cần thiết cho một doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động bình thường trong điều kiện xảy ra dịch bệnh. Những việc đó đã cho thấy sự sẵn sàng, chủ động của VNPT trong cung cấp các dịch vụ số, đồng thời thể hiện vai trò đồng hành cùng Chính phủ và dẫn dắt đối với xã hội của VNPT trong việc chuyển đổi số để thích ứng với điều kiện xảy ra dịch bệnh nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.


Năng lực của VNPT đủ mạnh và lớn để tận dụng các thời cơ, đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi số một cách toàn diện


Chúng tôi nhìn nhận rằng, đại dịch Covid-19 đang gây ra rất nhiều khó khăn cho toàn xã hội, nhưng đồng thời cũng đang mở ra cơ hội lớn để chúng ta cùng nhau thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số quốc gia. Khi toàn xã hội buộc phải áp dụng các giải pháp công nghệ để duy trì việc học tập, làm việc thì chúng ta có cơ hội rút ngắn quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh đó, rào cản tâm lý của một bộ phận người dùng mà trước đây còn ngại sử dụng các dịch vụ số sẽ được gỡ bỏ. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ như VNPT đẩy mạnh đưa các dịch vụ số tới người dân và doanh nghiệp thông qua việc miễn phí sử dụng, giảm giá cước….

Hai yếu tố này cộng hưởng sẽ giúp tăng mạnh số lượng người dân sử dụng các dịch vụ số. Đây là tiền đề rất quan trọng để chúng ta có nhiều hơn các công dân số. Khi chúng ta có một tập hợp công dân số đủ lớn, sẽ giúp rút ngắn đáng kể quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy, bên cạnh việc đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp để chuyển đổi số quốc gia, trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19, chúng tôi luôn hướng tới một vai trò khác nữa, đó là phổ cập trải nghiệm số tới người dân.

- Không chỉ có lĩnh vực công, chuyển đổi số của nền kinh tế còn phải gắn liền với các doanh nghiệp, các ngành kinh tế. Theo ông, VNPT sẽ đóng vai trò như thế nào trong lộ trình chuyển đổi số có tính cạnh tranh rất cao của các doanh nghiệp?

Chúng tôi đã chọn hướng tiếp cận “đồng hành cùng doanh nghiệp Việt để chuyển đổi số”, xem đây là một sứ mệnh lớn. Ở khối tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước lớn, VNPT đang thực hiện chuyển đổi số cho Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Vietnam Airlines, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn cao su Việt Nam,…

Đặc biệt, VNPT quan tâm đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Doanh nghiệp SME không có nền tảng công nghệ nhưng lại rất đa dạng, nên không thể xây dựng một giải pháp chuyển đổi số cho tất cả doanh nghiệp. Do đó, VNPT, sẽ đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp với các nền tảng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng doanh nghiệp. Hiện VNPT đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Sài Gòn Giải phóng

https://www.sggp.org.vn/vnpt-dang-day-nhanh-chien-luoc-chuyen-doi-so-657096.html

Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại