Năm 2019, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm 3 dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng. Các lĩnh vực sản phẩm số cũng giành được nhiều thành công ấn tượng…
Việc thiết kế sản phẩm hướng tích hợp dịch vụ nội dung trong các sản phẩm di động như MyTV Net, HeyZalo giúp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường di động, thu hút khách hàng mới, thâm canh trên tập khách hàng hiện hữu.
Dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, tăng 210% so với thực hiện năm 2018. Tổng số thuê bao phát sinh cước ước tính đạt hơn 1,63 triệu thuê bao, tăng 152% so với năm 2018. Đây vốn là một con số thuê bao đáng mơ ước của nhiều nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác trên thị trường.
2019 cũng là năm VNPT đã bảo vệ thuê bao và chiếm lĩnh thị phần thông qua chuyển mạng giữ số (MNP): Tập đoàn đã triển khai nhiều giải pháp theo 02 chương trình (Phát triển thuê bao Port-in; Giữ và giảm thuê bao Port-out), tính đến ngày 27/11/2019 VinaPhone là nhà mạng có kết quả PI-PO thành công dương cao nhất với 58.705 thuê bao.
Trong lĩnh vực sản phẩm dịch vụ số doanh nghiệp, VNPT ngày càng chiếm lĩnh được thị phần lớn trong mảng dịch vụ CNTT cho Chính quyền. Các sản phẩm dịch vụ CNTT của VNPT đã hiện diện tại 55 tỉnh/Tp. Phần mềm VNPT-iOffice đã triển khai cho 4.320 đơn vị sử dụng, số lượng cơ quan cấp tỉnh tăng 59%, cấp huyện tăng 28%. Phần mềm VNPT-iGate đã triển khai trên địa bàn 36 tỉnh, số lượng cơ quan cấp tỉnh tăng 24%. Phần mềm VNPT-eCabinet - Giải pháp phòng họp không giấy tờ, đã triển khai chính thức cho cho 29 đơn vị (UBND TP. HCM, Quận 11…), 275 đơn vị thử nghiệm tại 62/63 tỉnh/Tp.
VNPT đã hỗ trợ 28 UBND tỉnh/Tp khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh (tăng 40%); triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Lâm Đồng, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; triển khai giải pháp Du lịch thông minh cho 50 tỉnh/thành phố (tăng 67%).
Triển khai VNPT-HIS cho 7.208 cơ sở y tế, trong đó tuyến 1 có 5 cơ sở (tăng 67%), tuyến 2 có 170 cơ sở (tăng 4%), tuyến 3 có 666 cơ sở (tăng 15%); dịch vụ chia sẻ xét nghiệm VNPT-LIS triển khai cho 1.236 cơ sở (tăng 35%); dịch vụ vnEdu đã tiếp cận 63/63 tỉnh/Tp, có 12.185 trường học sử dụng, 6,2 triệu hồ sơ học sinh, gần 500 nghìn hồ sơ giáo viên, doanh thu dịch vụ vnEdu tăng 34%. Đối với dịch vụ dành cho khách hàng SMEs đạt nhiều kết quả nổi bật: dịch vụ Pharmacy triển khai chính thức 4.446 nhà thuốc (tăng 29 lần), thử nghiệm 6.733 nhà thuốc;dịch vụ hóa đơn điện tử đạt doanh thu 78,24 tỷ đồng, tăng trưởng 174,5% so với năm 2018.
VNPT tiếp tục tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế như Liên minh viễn thông quốc tế ITU, hiệp hội GSMA, TMForum AIP thông qua đó cập nhật những kinh nghiệm triển khai 5G, IoT, Smart City hay các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, tiếp tục đàm phán với nhiều nhà mạng quốc tế tăng doanh thu chuyển vùng quốc tế cũng như phát triển dịch vụ mới như A2P, M2M, RCS; triển khai nghiên cứu, đánh giá khả thi dự án thay thế vệ tinh Vinasat-1 sẽ hết niên hạn sử dụng vào năm 2023.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, VNPT tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của thị trường như thiết bị GPON OLT; thiết bị ONT thế hệ mới; thiết bị Wifi Access Point thế hệ mới; thiết bị trạm thu phát sóng di động Smallcell; thiết bị Set-top box 4k...
Nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao đã đưa vào vận hành chính thức từ tháng 8/2019. Nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện Postef (thuộc Tập đoàn VNPT) xây dựng đã được khánh thành, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á sản xuất được vật liệu này.
Với tổng số vốn đầu tư lên tới 380 tỷ đồng, nhà máy có diện tích gần 5ha với công suất thiết kế 3,2 triệu km sợi quang/năm, được trang bị thiết bị hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất thế giới bao gồm: Dây chuyền sản xuất chính (tháp kéo sợi) do NEXTROM (Phần lan) cung cấp. Đây là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi 1 phút.
Hiện giờ, tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa, dịch vụ của VNPT sử dụng trên mạng, không phải nhập khẩu là hơn 8 ngàn tỷ đồng...