Chiều ngày 20/06 tại Bộ Công An, Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác- khách hàng tiềm năng, trong đó có VNPT.
Tại buổi lễ, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng DLDC và CCCD đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với VNPT IT và VNPT Vinaphone, 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn được đánh giá là đối tác, khách hàng tiềm năng lớn của Bộ Công An. Với việc hợp tác này, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng DLDC và CCCD thuộc Bộ Công An sẽ triển khai sáng tạo nhiều ứng dụng hiệu quả, góp phần đổi mới việc quản lý con người, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Cụ thể, Tổng giám đốc VNPT IT Ngô Diên Hy đã ký kết hợp tác với Bộ Công An 6 nhóm dịch vụ, trong đó dịch vụ định danh và xác thực điện tử IDP được coi là chìa khóa tối ưu khai thác và vận hành CSDLQ về dân cư.
Trước đó, ngày 25/2/2021, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước đã chính thức khai trương. Cùng với mục tiêu của Chính phủ là tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số, gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách thể chế và ứng dụng công nghệ thông tin. Sự kiện xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Việt Nam đã có bước đi vững chắc, đặt nền móng cho tiến trình xây dựng định danh công dân số trong những năm kế tiếp. Chính vì vậy, việc triển khai, xây dựng, tạo ra hệ thống định danh và xác thực điện tử, IDP Bộ Công An chính là chìa khóa để tối ưu và khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu dân cư.
Tập đoàn VNPT hợp tác cùng Bộ CA để xây dựng hệ thống xác thực định danh điện tử (IDP Bộ CA) trên cơ sở khai thác dữ liệu dân cư, dữ liệu CCCD. Hệ thống xác thực định danh điện tử Bộ CA có mục tiêu quan trọng hàng đầu là định danh và xác thực, giúp khẳng định chính xác danh tính hợp pháp của người thực hiện giao dịch điện tử với các cơ quan nhà nước, cũng như phục vụ các giao dịch dân sự, thương mại điện tử. Đồng thời qua quá trình đăng ký sử dụng, nếu phát hiện các thông tin không chính xác, sai lệch với CSDL dân cư, người dân sẽ được yêu cầu cập nhật lại CSDL dân cư tại các cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là một kênh để bộ CA tiếp nhận thông tin phản ánh về các sai lệch, đảm bảo CSLD dân cư luôn đúng, đủ, mới."