VNPT là đối tác tin cậy với nhiều khách hàng trong sứ mệnh phát triển chính phủ điện tử và đô thị thông minh để phục vụ công dân, doanh nghiệp ngày hiệu quả, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Đây chính là thông điệp mà VNPT mang tới Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 diễn ra tại TP Huế hôm 26/7 vừa qua.
Hiện nay tại Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử để tiến tới chính phủ số, xã hội số và đô thị thông minh là hai xu hướng gắn kết với nhau ở quá trình chuyển đổi số và đều hướng tới mục tiêu chung là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Trong xu hướng đó, VNPT đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, áp dụng, cải tiến các cơ chế quản trị, chính thức tổ chức triển khai Chiến lược VNPT 4.0 với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và Châu Á. VNPT đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận, đột phá về năng lực cạnh tranh; Xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với định hướng chuyển đổi số.
Một trong những thách thức đối với việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam là việc chưa hình thành nên các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan trong khi việc xây dựng ĐTTM có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng đang bị phân tán, cát cứ tại nhiều ngành, số lượng các ứng dụng, dịch vụ được tích hợp còn thấp, chưa kết nối liên thông.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để xây dựng đô thị thông minh là rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.
Để có thể giải quyết những thách thức trên, VNPT mong muốn các Bộ Ngành chủ trì đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí phục vụ cho việc phát triển đô thị thông minh. Các Tỉnh/TP đẩy mạnh các chương trình, dự án triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung tạo nên nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ có tính chất liên ngành của một đô thị thông minh. Bên cạnh đó, các Tỉnh/TP cần nghiên cứu thận trọng, chặt chẽ; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về phát triển đô thị thông minh; có sự chỉ đạo thống nhất giữa Lãnh đạo các cấp của Tỉnh, của Thành phố đảm bảo phù hợp với xu hướng chung, điều kiện của đô thị; có kế hoạch và lộ trình cụ thể cùng các bước đi vững chắc nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển đô thị theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Đối với vấn đề về nguồn lực, các đô thị cần xác định những lĩnh vực trọng tâm phù hợp với đặc thù, tiềm lực, có tính cấp thiết cao của mình để có thể tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, các đô thị có thể nghiên cứu và thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP). Đây là giải pháp hiệu quả nhiều nước trên thế giới đang áp dụng để khắc phục bài toán thiếu hụt nguồn lực đầu tư. Một vấn đề cũng rất quan trọng trong xây dựng chính phủ số và đô thị thông minh là cần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo mật thông tin riêng tư và kiểm soát được sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ.