Giáo viên dạy tại nhà, học sinh học online mùa dịch virus nCoV nhờ VNPT E-Learning, doanh nghiệp họp trực tuyến tại bất cứ đâu nhờ VNPT-Meeting… Sự nhạy bén cung cấp các giải pháp công nghệ số của VNPT, bắt nguồn từ chính hệ sinh thái công nghệ đa lĩnh vực mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT theo đuổi.
Chỉ 1 ngày sau khi học sinh trên 55 tỉnh/thành phố phải nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra, VNPT đã hoàn thành triển khai nền tảng VNPT E-Learning tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Archimedes. Sau mở màn thành công của Archimedes, hàng loạt trường học khác tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP.HCM đã “cầu viện” đến hệ thống E-Learning của VNPT để triển khai chương trình học online, kết nối giáo viên và học sinh trong những ngày nghỉ học vì dịch. Giáo viên giảng dạy, giao bài, chấm điểm, chữa bài, học sinh tham gia các tiết học, học bài trực tuyến, học nhóm thông qua live chat hay live stream, làm bài, nhận kết quả học tập…
Mùa dịch cúm, nhiều doanh nghiệp cũng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ dịch vụ Họp trực tuyến - VNPT Meeting được cung cấp trên nền tảng đám mây - giúp các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng triển khai các cuộc họp trực tuyến tại bất cứ đâu và trên mọi thiết bị từ VCS/PC/Desktop, laptop; thậm chí ngay từ các thiết bị di động như smartphone, tablet.
Hệ sinh thái công nghệ số của VNPT đã và đang phủ sóng từ những ứng dụng nhỏ mà thiết thực trong từng lĩnh vực tới những bộ giải pháp lớn tầm Chính phủ.
Chính phủ công nghệ số
Tháng 12.2019, Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) chính thức đi vào hoạt động, cung cấp 5 dịch vụ công trực tuyến tại 63 địa phương gồm đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp và cấp điện trung áp. Giờ đây, chỉ với 1 cái click chuột, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể truy cập được tất cả cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương và theo dõi quá trình hoàn thành thủ tục hành chính. Cổng dịch vụ công quốc gia được Chính phủ chỉ đạo từ năm 2015 và giao cho VNPT thực hiện, dự kiến sẽ tiết kiệm được 4.222 tỉ đồng mỗi năm.
Phó tổng giám đốc VNPT - IT Hà Thái Bảo chia sẻ khi nhận được “đơn đặt hàng” của Văn phòng Chính phủ xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia: “Chúng tôi lúc đó rất băn khoăn, trăn trở từ việc sử dụng công nghệ gì để xây dựng hệ thống đến lựa chọn các kỹ sư nào trực tiếp tham gia xây dựng. Nhưng trăn trở nhất chính là được Văn phòng Chính phủ tin tưởng bao nhiêu thì càng phải cố gắng để tìm được giải pháp hiệu quả nhất, mang lại lợi ích, ý nghĩa cho người dân, doanh nghiệp”.
Nhóm kỹ sư được lựa chọn đều là những kỹ sư giỏi, dày dặn kinh nghiệm đã được huy động từ nhiều đơn vị khác nhau trong Tập đoàn. Những ngày “ăn ngủ” xây dựng hệ thống phần mềm khiến những chàng kỹ sư trẻ nhất cũng “gục” vì... sốt xuất huyết. Gần đến ngày khai trương thì nhóm dự án liên tục có kỹ sư bị sốt xuất huyết - ông Bảo nhớ lại - nhưng nhập viện rồi vẫn mang máy tính theo để có thể hỗ trợ nhóm dự án. Có kỹ sư sốt cao vẫn lên cơ quan để tiếp tục làm việc. Tất cả đều đồng lòng với một tinh thần quyết tâm cao nhất để khai trương thành công cổng Dịch vụ công quốc gia, đem đến cho toàn bộ người dân, doanh nghiệp 1 sản phẩm CNTT tốt nhất.
Trước đó, tháng 3.2019, Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương - được xem là tiền đề nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tới nay, Trục đã được 95/95 cơ quan, bộ ngành, địa phương kết nối. Đặc biệt, giá trị sản phẩm “make in Vietnam” này đã được chứng minh với giải Vàng Giải thưởng Kinh doanh quốc tế 2019 của Tổ chức Stevie Awards (International Business Awards 2019 - IBA) - giải thưởng được xem là niềm tự hào đối với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Không chỉ đặt nền móng cho Chính phủ điện tử cấp quốc gia, VNPT với tư cách nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu xây dựng hệ thống phần mềm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương. Tháng 6.2019, TP.HCM đã chính thức triển khai hệ thống Phòng họp không giấy (e-Cabinet) và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”, 2 sản phẩm do VNPT nghiên cứu và phát triển, giúp giảm thiểu tối đa văn bản giấy tờ. Mới nhất, cuối tháng 11, Cổng thông tin du lịch thông minh Hoà Bình nằm trong chuỗi dự án du lịch thông minh do VNPT xây dựng cũng đã được khai trương, đồng thời lắp đặt 8 hệ thống wifi công cộng tại 3 khu vực du lịch trọng điểm của tỉnh.
Sau 2 năm nghiên cứu, xây dựng các giải pháp công nghệ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Fujitsu, Lotte/Hyundai IT, VNPT cũng đã triển khai giải pháp thành phố thông minh - smartcity cho 28 tỉnh, thành phố, góp phần đưa các địa phương nhanh chóng bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số.
Song hành chuyển đổi số với từng doanh nghiệp
Với “vốn liếng” dày dặn của một trong những nhà cung cấp dịch vụ số tên tuổi trong khu vực, song song với kiến tạo và góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, VNPT đang từng bước đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp.
Theo Tổng giám đốc VNPT Phạm Đức Long, chuyển đổi số cho doanh nghiệp là bước đi quan trọng hướng tới chuyển đổi số nền kinh tế. Phần lớn các doanh nghiệp cũng thấu hiểu vai trò của chuyển đổi số trong phát triển doanh nghiệp, nhưng đa số không đủ nguồn nhân lực, tài nguyên và kinh nghiệm để tự triển khai chuyển đổi số cho chính mình.
Vì vậy, VNPT đã xây dựng bộ giải pháp chuyển đổi số với độ tùy biến cao, cho phép “may đo” cho từng doanh nghiệp. Tập đoàn đã phát triển hệ sinh thái các giải pháp để có thể giúp số hóa hoàn toàn một doanh nghiệp. Gồm hệ thống xác thực và định danh điện tử eKYC; Hệ thống quản lý kho hàng (VNPT Inventory); Hệ thống kế toán doanh nghiệp (VNPT FMS); Hệ thống quản trị nguồn nhân lực (VNPT HRM); Hệ thống quản lý kênh phân phối (VNPT DMS); Chữ ký số, Hóa đơn điện tử…
Các hệ thống này có thể linh hoạt triển khai theo nhu cầu của từng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp SME cho đến các Tập đoàn, Tổng công ty lớn như Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tập đoàn Cao su...
“VNPT xác định cần song hành với từng doanh nghiệp trong suốt quá trình chuyển đổi. Với mỗi doanh nghiệp SME, họ có thể rất muốn chuyển đổi số nhưng bắt đầu từ đâu là bài toán khó, bởi các doanh nghiệp này không có nền tảng công nghệ. VNPT với vai trò là tập đoàn hàng đầu về công nghệ tại Việt Nam, sẽ phải dẫn dắt, đưa ra giải pháp cho từng nhóm doanh nghiệp. Ví dụ như nhóm giải pháp cho các doanh nghiệp SME, VNPT dựa trên công nghệ IoT, AI, điện toán đám mây để hỗ trợ các doanh nghiệp này chuyển đổi số”, ông Long chia sẻ.
Tất cả những giải pháp mới không ngừng được tập đoàn tìm tòi, nhắm tới mục tiêu tăng cường hàm lượng công nghệ mới trong dịch vụ số mà VNPT cung cấp ra thị trường và cho các doanh nghiệp - Tổng giám đốc VNPT khẳng định.
Với vị trí nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu khu vực hiện nay, VNPT đã tiên phong xây dựng bộ giải pháp Chính phủ điện tử VNPT eGov, với nhiều ứng dụng tiêu biểu như Giải pháp nền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu (Trục liên thông văn bản Quốc gia); Giải pháp Trung tâm chỉ đạo điều hành VNPT-IOC; Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử VNPT-iGate; Hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-iOffice; Giải pháp cổng thông tin điện tử VNPT-Portal; Hệ thống quản lý cán bộ công chức viên chức VNPT-CCVC; Giải pháp Phòng họp không giấy e-Cabinet và ứng dụng Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh…