Ngày 05/7, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ Uy tín năm 2022, trong đó, Tập đoàn VNPT đứng thứ 3 của bảng xếp hạng này và một thương hiệu nữa của VNPT là nhà mạng VinaPhone đứng vị trí thứ 4.
Uy tín của các Công ty Công nghệ được đánh giá căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding, và khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 6/2022.
Top 10 Công ty Công nghệ Uy tín năm 2022 được công bố theo 02 danh sách: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông Uy tín và Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống Uy tín năm 2022.
Danh sách Top 10 Doanh nghiệp uy tín trên truyền thông là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản – Xây dựng, Dược, Công nghệ thông tin - Viễn thông, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012.
Xếp hạng đánh giá này, phần nào phản ánh những nỗ lực của VNPT trong nhiều năm qua với vai trò là Tập đoàn hàng đầu quốc gia về Viễn thông - CNTT. Những đóng góp của VNPT trong công cuộc Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số ... đã được Chính phủ, các ban ngành, địa phương và người dân ghi nhận.
Đến thời điểm này hệ sinh thái số VNPT với nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ cốt lõi đã phủ khắp mọi lĩnh vực từ Chính phủ số, Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp… góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, điển hình như bộ giải pháp Chính quyền điện tử của VNPT đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
VNPT đã và đang khẳng định được vị trí tiên phong, vai trò của tập đoàn công nghệ chủ lực với việc triển khai thành công các dự án công nghệ trọng điểm quốc gia như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Không chỉ tập trung xây dựng các giải pháp chuyển đổi số cho Chính phủ và các Bộ ngành, VNPT còn nghiên cứu, triển khai các bộ máy điều hành số tại các địa phương. Đó là Trung tâm điều hành, giám sát thông minh (IOC) tích hợp 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế-xã hội, giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân-chính quyền; Giám sát điều hành lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch, Giao thông… Hiện IOC đã được VNPT triển khai tại hơn 40 tỉnh, thành phố.