Với những thành tựu đã đạt được và kế hoạch triển khai tiếp theo cho IPv6, mục tiêu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đặt ra trong thời gian tới đó là triển khai IPv6 cho hạ tầng chính phủ điện tử và y tế điện tử.
Doanh nghiệp đi đầu trong triển khai IPv6 tại Việt Nam
Phát biểu tại sự kiện ngày IPv6 diễn ra hôm 6/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho hay, tính đến tháng 4/2019, tỷ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng trung bình 200% một năm. Các doanh nghiệp ISP, di động, nội dung lớn trên thế giới đã đồng loạt triển khai IPv6 và xây dựng kế hoạch tắt dần hệ thống mạng IPv4. Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ IPv6 toàn cầu đạt xấp xỉ 50%, đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động trên Internet toàn cầu.
Tại Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2019, tỉ lệ ứng dụng của Việt Nam đã đạt 34,08% với hơn 17,68 triệu người sử dụng IPv6 qua các hình thức truy cập FTTH, 3G/4G-LTE. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ hai Đông Nam Á, thứ 04 châu Á - Thái Bình Dương và thứ 07 thế giới (sau Bỉ, Mỹ, Ấn Độ, Đức, Malaysia, Hy Lạp) về mức độ ứng dụng triển khai IPv6.
Để đạt được những kết quả trên đây, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam như VNPT trong việc triển khai rộng rãi việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Theo Thứ trưởng, tỉ lệ chuyển đổi, cung cấp dịch vụ IPv6 của VNPT đã cán mốc trên 30% (cao hơn mức trung bình toàn cầu).
Cho tới thời điểm này, VNPT đã có gần 4 triệu thuê bao Internet cáp quang FTTH và gần 1 triệu thuê bao 4G VinaPhone sử dụng IPv6. Tỷ lệ lưu lượng IPv6 đạt 35,4% tổng lưu lượng. Đối với mảng nội dung, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IDC, Cloud như VNPT cũng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ sử dụng IPv6. Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, những kết quả trên chính là động lực góp phần không nhỏ thúc đẩy hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 trong năm 2019.
Triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE/5G, sẵn sàng cho Chính phủ điện tử
Kể từ giao thức di động 4G, IPv6 đã là giao thức mặc định. Sự bùng nổ thông tin di động và mạng 4G/5G được đánh giá sẽ tạo “cú hích” trong triển khai IPv6 trên thế giới. Hiện các nhà mạng di động lớn của Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ đều đang tiến hành triển khai mạng lưới 4G chỉ chạy trên IPv6 (IPv6-only). Bởi IPv6 đã chứng minh cho phép trải nghiệm tới người dùng tốt hơn trên mạng di động 4G trên thực tế.
4 nhà mạng di động hàng đầu của Mỹ (AT&T, Sprint, T-Mobile and Verizon) đã thực hiện các nghiên cứu đo đạc so sánh hiệu suất tương đối giữa IPv6 và IPv4 đối với các thiết bị dual-stack, kết quả cho thấy thời gian tải trang khi sử dụng IPv6 giảm hơn 10%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE/5G trong năm 2019.
Thông tin từ Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong năm 2019, Tập đoàn VNPT sẽ tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng FTTH, với mục tiêu đạt 4 triệu thuê bao IPv6. Đồng thời, Tập đoàn sẽ tiến hành thử nghiệm mô hình mạng thuần IPv6 trên mạng băng rộng cố định và mạng di động.
Bên cạnh đó, VNPT cũng cho hay sẵn sàng triển khai IPv6 cho hạ tầng Chính phủ điện tử, Y tế điện tử. Được biết, hiện giờ, VNPT đã triển khai hạ tầng Chính phủ điện tử như dịch vụ một cửa IGATE cho 36/64 tỉnh/ thành phố; Dịch vụ văn bản điện tử eOffice cho 59/64 tỉnh/Thành phố; Hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia; Các dịch vụ Y tế điện tử triển khai rộng rãi khắp các bệnh viện tại các tỉnh/Thành phố trong cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự tăng trưởng chuyển đổi IPv6 trong dịch vụ viễn thông, CNTT, cũng như việc duy trì các dịch vụ khác trên nền tảng IPv6 hiện nay, cùng nỗ lực triển khai của các doanh nghiệp hàng đầu như VNPT sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng IPv6 tại Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trên môi trường Internet toàn cầu.