10:18 15/06/2020

VNPT sẽ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử


Mới đây, tại cuộc họp của tổ công tác về triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Tập đoàn VNPT đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giao nhiệm vụ phối hợp cùng VNPost triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử, thống nhất về quy trình tiện lợi cho người sử dụng.

Tính đến ngày 3/6, sau gần 6 tháng khai trương Cổng DVCQG, đã có trên 41 triệu lượt truy cập, 159 nghìn tài khoản đăng ký, 9 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 102 nghìn hồ sơ được thực hiện. Đến nay Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 458 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm 203 cho công dân, 266 cho doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2020/NĐ-CP, nghị định tiên phong về thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, là văn bản pháp lý quan trọng cho sử dụng văn bản điện tử, chữ ký điện tử, chữ ký số, giao dịch điện tử. Nếu người dân làm hồ sơ điện tử trên Cổng DVCQG mà vẫn nộp bản sao chứng thực, hoặc xuất trình bản giấy sẽ mất nhiều chi phí thời gian, chi phí xã hội. Chính vì vậy, lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên trên Cổng DVCQG. Tổ công tác triển khai dịch vụ này cũng được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dịch vụ bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 10 Nghị định 45.

Với quy định bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác), như vậy, người dân, DN có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.

Bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần. Đối với các cơ quan, tiện ích đem lại là thực hiện toàn bộ quy trình cấp bản sao chứng thực từ bản chính trên hệ thống Cổng DVCQG, bảo đảm bản sao chứng thực được cấp ra là có đầy đủ các thông tin theo quy định, thống nhất về hình thức. Cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực có thể dễ dàng kiểm tra tính toàn vẹn, chính xác để giải quyết cho thủ tục tiếp theo.

Từ những tiện ích thiết thực đó, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Tập đoàn VNPT cùng phối hợp triển khai dịch vụ; thống nhất về quy trình tiện lợi cho người sử dụng.

Để dịch vụ khai trương vào ngày 1/7/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các cơ quan, người dân, DN ủng hộ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, được sự tin tưởng của Văn phòng Chính phủ, VNPT đã xây dựng thành công Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các cổng dịch vụ công của các Bộ ngành và địa phương nhằm phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên không gian mạng, VNPT đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn VNPT. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 Tỉnh thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Không chỉ được Chính phủ lựa chọn xây dựng Cổng DVCQG, mới đây, Tập đoàn VNPT còn là 1 trong 04 đơn vị được lựa chọn cung cấp dịch vụ Thanh toán điện tử trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cụ thể, Trung tâm VNPT Fintech thuộc Tập đoàn VNPT đã đưa các tính năng dịch vụ VNPT Pay vào cung cấp cho Cổng DVCQG gồm: thanh toán phí của các dịch vụ công bằng ví VNPT Pay và cổng thanh toán (thẻ, tài khoản ngân hàng nội địa, thẻ quốc tế của tất cả các ngân hàng).

Trước những nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên Cổng DVCQG của người dân và doanh nghiệp đang ngày một gia tăng nhanh chóng, VNPT quyết định triển khai chính sách nâng gấp đôi băng thông cho tất cả các đường Internet cáp quang FiberVNN, Internet trực tiếp và kênh Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) kết nối Cổng DVCQG (bao gồm kết nối liên thông Cổng Dịch vụ công các cấp và kết nối Internet từ Cổng Dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp) từ cấp Xã/Phường, Quận/Huyện đến Tỉnh/Thành phố. Đặc biệt, chính sách giá cước của VNPT không thay đổi. Thời gian triển khai chương trình là từ ngày 15/05 đến hết 31/07/2020. Chính sách trên sẽ được áp dụng đối với Chính quyền các cấp đang sử dụng Internet cáp quang FiberVNN, Internet trực tiếp, hệ thống mạng Internet dùng riêng tốc độ cao hoặc đăng ký sử dụng mới các dịch vụ này của VNPT để kết nối Cổng Dịch vụ công từ cấp Xã/Phường, Quận/Huyện đến Tỉnh/Thành phố và đã nghiệm thu hoàn công trong thời gian thực hiện chương trình này.

Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, viêc nâng cấp băng thông này là cần thiết vì người dân và doanh nghiệp sẽ có được những trải nghiệm các dịch vụ tốt nhất trên Cổng DVCQG, điều này cũng góp phần không nhỏ cho tiến trình chuyển đổi số của Chính phủ trong thời gian tới đây.

Từ khóa: khuyến mại vinaphone Khuyến mại 20% Thuê bao trả trước Thuê bao trả sau Khuyến mại