Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động và là tiền đề để xây dựng xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn. Hiểu rõ chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, Tập đoàn VNPT đã không ngừng phát triển và làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cốt lõi góp phần xây dựng chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ngay từ những năm 2000, Đảng và Chính phủ đã luôn coi trọng việc phát triển ứng dụng CNTT trong các hoạt động của cơ quan nhà nước. Ứng dụng CNTT còn là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó cho đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành một số Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của LHQ; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất và trong nhiều lĩnh vực.
Là Tập đoàn Viễn thông và CNTT hàng đầu Việt Nam, VNPT đã đề ra những mục tiêu cụ thể và sớm có những bước chuẩn bị để tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 bằng việc tập trung xây dựng và không ngừng nâng cấp hạ tầng băng rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định cũng như di động. Trên nền tảng đó, VNPT đã thử nghiệm và vận hành các công nghệ mới, tạo ra các kết nối thông minh, cung cấp các dịch vụ tiện ích thông minh, các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh… đáp ứng tối đa các yêu cầu của khách hàng, trong đó VNPT luôn chú trọng các nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra.
Hiện tại, VNPT là Tập đoàn đi đầu với những sản phẩm dịch vụ chủ lực về tầng Viễn thông, chính quyền điện tử/chính quyền số, các giải pháp về Y tế, Giáo dục, An ninh trật tự, Du lịch, Nông nghiệp, Môi trường, An ninh thông tin… Nhiều tỉnh, thành phố trong quá trình hợp tác với VNPT đã có sự phát triển vượt bậc về chỉ số ICT Index của cả nước, đồng thời đang thực hiện những bước đi đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, bền vững.
VNPT luôn nhận được sự tin tưởng của các Cơ quan chính quyền các cấp thể hiện qua các chương trình hợp tác triển khai Chính quyền điện tử; triển khai thành phố thông minh và hợp tác triển khai các hệ thống dịch vụ CNTT trong lĩnh vực Y tế điện tử và Giáo dục điện tử. Tại buổi làm việc về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trong đó có Tập đoàn VNPT cử các chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong tháng 07/2018, VNPT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài KH&CN thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về Chính phủ điện tử. Mục tiêu chính của sự hợp tác này là VNPT sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử; nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.
Đến nay, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố, cung cấp Phần mềm quản lý Y tế cho hơn 7.000 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai Hệ thống quản lý Giáo dục cho hơn 12.000 trường học với gần 5 triệu hồ sơ học sinh. VNPT hiện đang tập trung nguồn lực để sẵn sàng tiếp cận những công nghệ chủ lực của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Internet vạn vật…Trên những công nghệ nền tảng này, VNPT sẽ phát triển và triển khai cho các tỉnh thành phố những sản phẩm dịch vụ số toàn diện, phục vụ đắc lực hoạt động của các cấp chính quyền, của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.