Mới đây, VKSND tối cao và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức sơ kết thực hiện thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2023-2027.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục 2 VKSND tối cao đã báo cáo sơ kết thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa VKSND tối cao và Tập đoàn VNPT về chuyển đổi số Quý IV/2023.
Theo đó, qua 3 tháng triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa VKSND tối cao và Tập đoàn VNPT về chuyển đổi số đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Lãnh đạo ngành KSND luôn quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động trong công cuộc chuyển đổi số bằng việc ban hành các văn bản làm căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ đã đề ra.
Hạ tầng CNTT đã được VKSND tối cao chú trọng đầu tư để phục vụ các ứng dụng CNTT của toàn ngành trên cả 4 cấp trong nhiều giai đoạn, tới nay, cơ bản đã được trang bị các hạng mục để triển khai các ứng dụng CNTT của Ngành như: Trung tâm dữ liệu VKSND tối cao gồm: 31 máy chủ vật lý, 94 máy ảo hoá, là nơi vận hành các ứng dụng, nền tảng số dùng chung của ngành; trang bị 2 kênh truyền dữ liệu tốc độ cao phục vụ truy cập các ứng dụng dùng chung của ngành Kiểm sát nhân dân, Hội nghị trực tuyến và 1 kênh chuyên dùng Mạng TSLCD của các cơ quan Đảng, Nhà nước; triển khai các giải pháp an toàn thông tin đối với hệ thống thông tin cấp độ 3.
Hiện nay, ngành KSND đã triển khai 16 phần mềm, ứng dụng dùng chung, trong đó, một số ứng được sử dụng hiệu quả như: phần mềm Quản lý văn bản điều hành phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử hàng ngày trong toàn ngành KSND với gần 100% công chức được tạo lập tài khoản đã lưu trữ hàng triệu văn bản; phần mềm thư điện tử với trên 80% cán bộ ngành KSND đã được tạo lập tài khoản, trung bình mỗi ngày hệ thống gửi/nhận gần 1.000 thư điện tử.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cảm ơn sự hợp tác, đồng hành của Tập đoàn VNPT cùng ngành KSND trong thời gian qua.
Phần mềm hội nghị truyền hình trực tuyến được thiết lập từ năm 2015 tới hơn 800 điểm cầu, kết nối trong toàn ngành từ VKSND tối cao tới VKSND cấp huyện; phần mềm thống kê được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019 và kết nối tới 100% VKS cấp tỉnh, cấp huyện, phục vụ tổng hợp, lấy số liệu cho 33 biểu mẫu thống kê, 10 phụ lục báo cáo thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Toàn ngành KSND có 110 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại VKSND cấp tỉnh trở lên (VKS cấp huyện không có cán bộ chuyên trách CNTT). Tại VKSND tối cao, đơn vị chuyên trách về CNTT là Cục 2 với 8 cán bộ vừa chịu trách nhiệm tham mưu, tổ chức triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành, vừa đảm nhiệm công tác kỹ thuật, sửa chữa trang thiết bị, thẩm định hồ sơ đến xây dựng, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số.
Kết quả thực hiện thỏa thuận cụ thể như sau: Cục 2 và các đơn vị chuyên môn của VNPT đã thành lập 5 nhóm công tác theo từng lĩnh vực, chuyên môn trong đó nêu cụ thể nội dung công việc; nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của Trưởng nhóm và các thành viên; tiến độ thực hiện; phương thức làm việc (kết hợp trực tiếp và online), cách thức báo cáo (định kỳ thứ 6 hàng tuần báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ) nhằm triển khai, cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ một cách khoa học, kịp thời, hiệu quả.
Xác định chuyển đổi số là khâu đột phá, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ngành Kiểm sát nhân dân; việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 là rất cần thiết để cụ thể hoá các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong một thời gian ngắn, với sự phối hợp, tham gia của 8 cán bộ Cục 2 và 8 cán bộ VNPT, Nhóm công tác đã làm việc một cách khẩn trương, nghiêm túc, phân công chuẩn bị nội dung theo từng lĩnh vực công tác.
Ngày 15/12/2023, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Kế hoạch số 221 về chuyển đổi số ngành KSND năm 2024. Theo đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị ngành KSND, đây không phải là bài toán chủ yếu về công nghệ mà là bài toán chủ yếu về nhận thức, thể chế, phụ thuộc quyết tâm, cách làm của người đứng đầu.
Xác định năm 2024 là năm bứt phá, tiến tới hoàn thành mục tiêu trong Quy hoạch phát triển CNTT của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch nêu rõ mục tiêu tổng quát và 22 mục tiêu cụ thể; 07 nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện.
Tại hội nghị sơ kết, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2027 giữa VKSNDTC và Tập đoàn VNPT vào tháng 10 năm 2023 là một trong những sự kiện quan trọng đối với Tập đoàn VNPT. Tập đoàn VNPT vô cùng vinh dự, tự hào được đồng hành cùng ngành Kiểm sát trong công cuộc chuyển đổi số.
Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu tại hội nghị sơ kết
Tập đoàn VNPT cũng rất vui mừng, sau khi ký kết, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao, hai bên đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Tập đoàn VNPT sẽ tập trung những điều kiện tốt nhất để triển khai tất cả các nội dung thỏa thuận hợp tác giữa hai bên một các đầy đủ, thực chất, hiệu quả nhất. VNPT mong muốn và tin tưởng rằng, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao, sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan, TTHT của hai bên sẽ được triển khai thành công tốt đẹp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cảm ơn sự hợp tác, đồng hành của Tập đoàn VNPT cùng ngành KSND trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cũng đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm cao của Cục 2 VKSND tối cao và Tập đoàn VNPT đã bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện, đã đạt được những kết quả quan trọng, tích cực.
Lãnh đạo VKSND tối cao sẽ tạo mọi điều kiện tối đa để việc thỏa thuận giữa hai đơn vị về chuyển đổi số đạt kết quả cao. Trong quá trình thực hiện, triển khai có khó khăn thì hai đơn vị phải báo cáo ngay để cùng giải quyết, tháo gỡ kịp thời.