Cổng Dịch vụ công Quốc gia (dichvucong.gov.vn) đã chính thức được khai trương vào chiều nay (9/12). Với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã vinh dự được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ Công quốc gia.
Cổng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin.
Được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia từ tháng 3/2019, trong đó có những yêu cầu rất khắt khe về việc phải đồng bộ dữ liệu giữa cổng quốc gia với cổng địa phương bộ ngành, địa phương, đồng thời phải đảm bảo tuyệt đối về an toàn bảo mật, chỉ trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tham khảo ứng dụng từ nhiều nước, để xây dựng thành công Cổng dịch vụ công quốc gia. VNPT coi việc xây dựng Cổng là nhiệm vụ quan trọng cũng là niềm vinh dự khi được đồng hành cùng Chính phủ trong việc kiến tạo Chính phủ điện tử, vì một Việt Nam minh bạch, phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tham dự Lễ khai trương Cổng Dịch vụ Công Quốc gia có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, cùng đại diện các cơ quan: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; Đại sứ các nước, các tổ chức quốc tế và đại diện các doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Thế giới; Cơ quan Phát triển Pháp; đại diện Tập đoàn VNPT...
Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, cũng ngay từ tháng 3/2019, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tích hợp các dịch công thiết yếu lên Cổng dịch vụ Công quốc gia và triển khai theo lộ trình.
Đến nay, Cổng dịch vụ Công Quốc gia đã hoàn thiện về cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu của các Bộ, Ngành, địa phương, và đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG
Tính ưu việt của Cổng Dịch vụ công Quốc gia thể hiện ở việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng. Theo đó, người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 01 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Thông tin tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được lưu trữ và liên thông với các trang Dịch vụ công khác. Nhờ đó, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được tích hợp như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm… sau khi cá nhân, tổ chức đã cung cấp một lần thành công khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sẽ được tái sử dụng khi thực hiện đăng ký thủ tục lần sau và kết quả giải quyết thủ tục hành chính được công nhận tính pháp lý trên toàn hệ thống.
Phát biểu tại Lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cổng Dịch vụ công Quốc gia là giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng Công nghệ thông tin với cải cách hành chính.
Việc xây dựng và hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số cần là một quá trình lâu dài đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng và chung tay các Bộ, Ban, Ngành từ Trung Ương tới địa phương. Quan trọng hơn, Chính phủ đã đặt người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm để xây dựng các giải pháp, với mục tiêu phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng DVCQG
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực triển khai tích hợp với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, hướng tới mục tiêu xây dựng xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phát triểnphục vụ nhân dân.
Tại buổi Lễ, nhằm đánh giá thực tế về hiệu quả và lợi ích Cổng Dịch vụ công Quốc gia mang lại cho người dân và Doanh nghiệp, đại diện người dân và doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký trực tuyến một số Dịch vụ công dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng toàn bộ đại biểu tham dự Lễ khai trương.
Các Dịch vụ công được thực hiện trực tiếp tại buổi Lễ bao gồm: thông báo hoạt động khuyến mại gửi Sở Công thương 63 tỉnh (Tp. Hà Nội), dịch vụ cấp điện mới từ lưới điện trung áp (Tp. HCM); đối với cá nhân bao gồm đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp (Hà Nội),thủ tục đăng ký khai sinh (Quảng Ninh), cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (tại Quảng Nam). Việc đăng ký hồ sơ của các cá nhân và doanh nghiệp tại các điểm cầu đều thưc hiện nhanh chóng với thời gian đăng ký chưa đến 5 phút. Tại điểm cầu Nhà khách Chính phủ, 11 Lê Hồng Phong, đại diện doanh nghiệplựa chọn tính năng gửi thông báo khuyến mại tớitoàn bộ Sở Côngthương 63 tỉnh thành phố. Phía đầu Sở Công thương Kon Tum và Quảng Nam ngay sau đó cũng xác nhận đã nhận được hồ sơ của doanh nghiệp và sẽ tiến hành giải quyết theo quy định.
Người dân thử nghiệm các dịch vụ cung cấp trên Cổng DVCQG
Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ giúp rút ngắn thời gian đăng ký của công dân và doanh nghiệp, mà đồng thời cũng giúp cho việc tiếp nhận và phản hồi của các Bộ, ngành, địa phương diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Việc đăng ký hồ sơ trực tuyến cũng tạo điều kiện cho người dân có thể đăng ký mọi lúc, mọi nơi thay vì thực hiện trong thời gian hành chính, mang đến sự thuận tiện cho người dân.
Với mục tiêu đặt người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, giao diện Cổng Dịch vụ công Quốc gia được xây dựng theo hướng thân thiện với người dùng. Các nhóm dịch vụ dành cho Công dân và doanh nghiệp đều được sắp xếp khoa học theo vòng đời từ khi hình thành – phát triển – kết thúc để hỗ trợ người dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, tính năng hỗ trợ của Cổng dịch vụ ngay trang chủ cũng giúp định tuyến thông tin theo các từ khoá.
Vấn đề bảo mật thông tin người dùng cũng được Cổng Dịch vụ Công Quốc gia đặt lên hàng đầu. Các lần đăng nhập thông tin đều yêu cầu mã xác thực người dùng. Hồ sơ thông tin người dùng cũng được mã hoá, đảm bảo bảo mật tối đa. Đặc biệt, Cổng Dịch vụ Công Quốc gia cũng tích hợp với hệ thống thanh toán của các ngân hàng và trung gian thanh toán để người dùng có thể thanh toán trực tuyến phí và lệ phí khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Đến nay, nhiều Dịch vụ công quan trọng đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia như: Đổi giấy phép lái xe, Cấp giấy phép lái xe quốc tế, Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do hỏng mất, Thông báo hoạt động khuyến mại, đăng ký hoạt động khuyến mại, chứng nhận xuất xứ hàng hoá… Theo tính toán sơ bộ của Văn Phòng Chính phủ, việc tích hợp các dịch vụ trên qua Cổng Dịch vụ công giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 4.222 tỷ đồng. Con số này sẽ gia tăng khi số lượng Dịch vụ tích hợp trên cổng tăng lên.
Tập đoàn VNPT là đơn vị xây dựng và phát triển hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ đồng hành cùng Văn Phòng Chính phủ để tích hợp các Dịch vụ. Theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, ngành, địa phương.