Mặc dù là một tỉnh miền núi với điều kiện còn khó khăn hạn chế, trong những năm gần đây, Bắc Kạn đã triển khai số hóa toàn bộ dữ liệu của học sinh, giáo viên, các nhà trường, đem lại những tiện ích và hiệu quả rõ rệt.
Sau 3 năm triển khai, đến nay, dữ liệu của hơn 7.000 giáo viên và hơn 73.000 học sinh trong 318 trường học, trung tâm GDTX trên toàn tỉnh đã được số hóa. Trong đó, các bậc tiểu học, THCS, THPT, GDTX đã được triển khai hoàn chỉnh. Riêng với bậc mầm non, do đặc thù riêng, việc ứng dụng còn ở mức hạn chế.
Đánh giá về quá trình thực hiện số hóa, ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn cho biết: "Chương trình số hóa dữ liệu được Sở GD&ĐT bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Ban đầu, công tác triển khai cũng gặp khó khăn nhất định khi một số giáo viên và đơn vị còn tỏ ra bỡ ngỡ, tuy nhiên chúng tôi xác định đây là việc quan trọng và cần thiết cho nên đặt quyết tâm cao. Đến nay, việc số hóa cơ bản đã hoàn thành, tiện ích và hiệu quả của nó là rất rõ".
Khung cảnh lớp học tại một trường Tiểu học của tỉnh Bắc Kạn
Việc số hóa dữ liệu giáo dục Bắc Kạn hiện đang được VNPT hỗ trợ về phần mềm, với hệ thống quản lí dành cho Sở và các nhà trường, ngoài ra là các App ứng dụng để giáo viên, phụ huynh, học sinh sử dụng.
Để giáo viên dễ dàng và thuận lợi tiếp nhận và áp dụng trong việc sử dụng dữ liệu số, Phòng Quản lí chất lượng giáo dục - Công nghệ thông tin của Sở đã trực tiếp chuyển giao công nghệ và tập huấn, hướng dẫn cụ thể đến các nhà trường.
Việc lưu trữ và sử dụng dữ liệu phục vụ cho các hoạt động giúp các nhà trường tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức. Bên cạnh đó, tính chính xác và khoa học cũng là ưu điểm quan trọng giúp các nhà trường quản lí, vận hành công việc một cách hiệu quả.
Phát huy những ưu điểm đó, Sở đã chỉ đạo các nhà trường nhanh chóng ứng dụng hệ thống vào nhiều hoạt động quan trọng, như: dạy học trực tuyến qua Internet trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch Covid-19, thi tuyển sinh đầu cấp, thi học kì, tổng hợp điểm số, quản lí hồ sơ, triển khai nội dung chương trình và lịch công tác, xây dựng thời khóa biểu…
Đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh, việc theo dõi và chia sẻ thông tin, tương tác trao đổi trở nên nhanh chóng, thường xuyên, kịp thời hơn. Từ kế hoạch học tập, điểm số, kết quả…, tất cả đều được thông báo đến từng cá nhân thông qua các phương tiện như điện thoại, máy vi tính.
"Việc quản lí của nhà trường theo hệ thống dữ liệu đã được số hóa là rất thuận tiện. Một số giáo viên ban đầu còn chưa quen, nhưng sau khi sử dụng thành thạo thì tâm đắc và công nhận cách làm mới hiệu quả hơn" - cô giáo Tạ Thị Chung, Phó hiệu trưởng trường THPT Ngân Sơn cho biết:
Tuy nhiên, cũng theo cô Chung, vẫn còn những băn khoăn mà các cấp chức năng cần tiếp tục tìm hướng giải quyết, nổi bật như: hiện tại hệ thống chưa hỗ trợ bộ thống kê và lọc dữ liệu; một số phụ huynh và học sinh do điều kiện hạn chế nên chưa thành thạo trong việc sử dụng…
Dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực vượt bậc, Bắc Kạn đã trở thành một trong những tỉnh sớm nhất cả nước đồng bộ hóa dữ liệu vào hệ thống dữ liệu của Bộ GD&ĐT. Đây là một nền tảng vững vàng cho những bước tiến tiếp theo của giáo dục Bắc Kạn, nhất là trong xu thế của thời đại công nghệ như hiện nay.