Những câu chuyện hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 qua Tổng đài 1022 dưới đây phần nào giúp chúng ta thấy sự vất vả của các “chiến binh” trực tổng đài.
Hoà chung nhiệm vụ phòng, chống dịch covid-19 của tỉnh nhà, VNPT địa bàn Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ ở các mặt trận, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan viễn thông - CNTT, mỗi "chiến sĩ" VNPT, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng tham gia "Đội hình tình nguyện viên VNPT", góp phần cùng tỉnh nhà huy động nguồn lực, kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả…
Là một trong 16 nhân sự đầu tiên của VNPT địa bàn Bình Dương tham gia hỗ trợ Tổng đài 1022 khi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương triển khai kênh tiếp nhận và xử lý hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh covid-19 qua Hệ thống đường dây nóng 1022, bạn rất hăm hở, xung phong tiếp nhận nhiệm vụ: “tụi em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao ạ”.
Tuy nhiên sau vài ngày hỗ trợ cho Tổng đài 1022, tôi nhận được dòng tin nhắn buồn bã: "Dạ trước tiên cho em xin lỗi chị, chắc em xin phép được rút khỏi 1022. Em sẽ cố gắng vài ngày đầu để chị sắp xếp bạn thay thế em. Em cũng có lí do riêng, một số lí do em cũng có nói chị. Mong chị giúp đỡ. Em xin lỗi và cám ơn chị ạ!".
Tìm hiểu kỹ, mới thấy áp lực bạn phải chịu đựng khi thực hiện nhiệm vụ này, mỗi ngày đăng nhập hệ thống liên tục 8 giờ đồng hồ, bạn bị sốc khi có quá nhiều cuộc gọi đến 1022 đề nghị được hỗ trợ khi mà bản thân chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, rồi được các anh chị Sở Sở Thông tin và Truyền thông đào tạo “cấp tốc’, chưa đủ tự tin, chưa nắm vững văn bản, quy định, chính sách để hỗ trợ, hướng dẫn người dân, “em stress quá, đến nỗi tắt sữa luôn chị ơi”, bạn bùi ngùi, con bạn mới 8 tháng tuổi.
VNPT địa bàn Bình Dương - Tản mạn từ những câu chuyện hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 qua Tổng đài 1022
Đó là những ngày cuối tháng 7/2021, đến nay, tôi vừa mới điện thoại hỏi thăm công việc của bạn ở 1022 như thế nào rồi, “giờ em ráng hết sức giúp đỡ người dân gặp khó khăn thông qua Tổng đài 1022”; tôi nhắc vui chuyện những ngày đầu tiên bạn khăng khăng chỉ hỗ trợ đến cuối tháng, hỏi bạn giờ bạn có thể hỗ trợ thêm được bao lâu nữa, bạn cười hi hi tự tin nói: “em làm đến lúc nào cũng được ạ”.
Bạn kể một mẩu chuyện khi làm tình nguyện viên hỗ trợ 1022, đó là câu chuyện xảy ra ngay ca làm việc đầu tiên của bạn, bạn tiếp nhận cuộc gọi xin được hỗ trợ từ một chị vừa khóc, vừa hoảng loạn nói: chị đang ở Sài gòn, ba chị sống một mình ở Phú Chánh, Tân Uyên, Bình Dương; ba chị bệnh, khó thở, sắp chếp rồi, chị gọi đến 1022 cầu cứu.
Bạn vội vàng thực hiện quy trình tiếp nhận thông tin, lập phiếu yêu cầu để chuyển cho cơ quan chức năng với tốc độ nhanh nhất có thể. Tuy sau đó, bạn đã tiếp nhận rất nhiều ca hỗ trợ cấp cứu khác, nhưng bạn vẫn luôn nhớ đến trường hợp này, bạn tự hỏi không biết ba của chị ấy hiện ra sao!? Bạn chỉ mong công việc này sớm kết thúc, không phải vì bạn trốn tránh nhiệm vụ mà vì việc này kết thúc, tức là dịch đã được kiểm soát, người dân được an toàn.
Khi tôi dự định viết về những “chiến sĩ” VNPT địa bàn Bình Dương hỗ trợ Tổng đài 1022, bạn là một trong những người tôi nhớ đến đầu tiên, vì tôi ấn tượng khi đọc một dòng tin nhắn của bạn trên group “1022 VNPT”, đại ý bạn chia sẽ là đang rất “đuối”, đã hết ca trực, nhưng vẫn không thể rời máy, vì liên tục có những cuộc điện thoại đến 1022, bạn không nỡ “off” máy.
Nhắn tin đề nghị bạn chia sẽ những câu chuyện, những cảm xúc, cảm nhận trong quá trình làm nhiệm vụ hỗ trợ Tổng đài 1022 giúp người dân gặp khó khăn liên quan dịch bệnh covid-19, bạn rất đồng cảm: Khi được giao thêm nhiệm vụ hỗ trợ tổng đài 1022, bạn đã tiếp nhận công việc một cách miễn cưỡng, kiểu như lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ thì phải làm thôi. Nhưng khi bắt tay vào việc, thì cảm xúc rất nhiều, bạn thấy rằng, dịch bệnh covid-19 bùng phát và lan rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh nhai của người dân và công nhân lao động rất lớn, họ không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn áp lực về tinh thần.
Mỗi lần thông tin của người dân gọi đến 1022 được xử lý và giải quyết, bạn rất vui. Ngày qua ngày, công việc này, sự “miễn cưỡng” ban đầu đã không còn nữa, bạn không chỉ thực hiện theo đúng quy trình: nhận thông tin, tạo phiếu yêu cầu chuyển cơ quan chức năng (là hết việc), mà bạn đã tự thêm “trách nhiệm” cho bản thân, đó là: vẫn tiếp tục theo dõi, đôn đốc để thông tin của người dân được hỗ trợ kịp thời.
Bạn huyên thuyên về những UBND xã, phường, thị trấn đã nhanh chóng xử lý thông tin từ 1022 chuyển đến, bạn vui mừng khi Sở Lao động, Thương binh - Xã hội, Sở Giao thông - Vận tải kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân.
Giao tiếp qua điện thoại, bạn cảm nhận được, những người gọi đến 1022 đề nghị được hỗ trợ lương thực thực phẩm, thật sự họ cũng rất tự trọng, chỉ cầu cứu khi không còn con đường nào khác. Bạn hiểu được, các cơ quan ban ngành, đang hoạt động hết công suất để hỗ trợ người dân, nhưng đâu đó, vẫn có những yêu cầu không được xử lý kịp lúc.
Đã có những việc làm “thiện nguyện” bộc phát; khi nhận được thông tin người dân, bạn đã lo lắng và vận động bạn bè, đồng nghiệp tìm cách giúp đỡ ngay cho một trường hợp cần hỗ trợ sữa cho trẻ em ở An Tây, Bến Cát.
Bạn đề xuất, nên chăng UBND các cấp có sự liên kết với các mạnh thường quân làm công tác xã hội từ thiện tại địa phương để có thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ người dân có kế hoạch, được kịp thời và không bỏ sót bất kỳ ai.
Trong suy nghĩ của bạn, mỗi khi ngồi trước máy tính, bắt đầu ca trực hỗ trợ 1022, bạn là người VNPT, nhận trách nhiệm đồng hành cùng tỉnh nhà trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch, bạn đặt trái tim của mình vào công việc, bạn lan truyền sự dịu dàng, đồng cảm vào mỗi cuộc gọi tiếp nhận, bạn hiểu những lời động viên tinh thần cho người dân những lúc khó khăn là cực kỳ quý báu, sẽ giúp người dân bình tĩnh, chờ đợi sự hỗ trợ để vượt qua tình huống khẩn cấp.
Còn rất nhiều những mẩu chuyện về 16 “chiến sĩ 1022” của VNPT địa bàn Bình Dương; có những bạn không đáp ứng được điều kiện về thiết bị, rời khỏi đội hình một cách do dự, tiếc nuối; có những ngày kết thúc ca làm việc lúc 22h giờ và mọi người lại tiếp tục online đến khuya để được đào tạo; mỗi khi nhận được tin nhắn từ các anh chị Sở Thông tin và Truyền thông cần tổng đài viên hỗ trợ vì đang giờ cao điểm, đang có rất nhiều cuộc gọi đến 1022,… sẽ có những tin nhắn phản hồi nhẹ bân: “em sắp xếp được, cho em đăng ký từ …giờ đến … giờ nha”…
Qua công tác hỗ trợ Tổng đài 1022, nhận thấy diễn biến lây lan dịch bệnh Covid-19 ở Bình Dương quá nhanh và quá nhiều, làm cho người dân gặp nhiều khó khăn, đồng thời chính quyền cũng khó khăn không kém, đã có những nơi, những lúc “lực bất tòng tâm”. Nhưng luôn có sự chuyển biến kịp thời, cùng nhau khắc phục để vững bước trên con đường phòng, chống dịch.
Hoà chung nhiệm vụ phòng, chống dịch covid-19 của tỉnh nhà, VNPT địa bàn Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ ở các mặt trận, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan viễn thông - CNTT, mỗi “chiến sĩ” VNPT, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng tham gia “Đội hình tình nguyện viên VNPT”, góp phần cùng tỉnh nhà huy động nguồn lực, kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch hiệu quả. “Măt trận” 1022 đã có 16 bạn tham gia và sẽ tiếp tục có n lần 16 bạn khác cùng tham gia khi có yêu cầu.
Như các bạn đã từng nói, cho dù ở mặt trận nào thì người VNPT cũng luôn hết lòng, hết sức thực thi nhiệm vụ. Sau này, kết thúc công việc hỗ trợ Tổng đài 1022, chắc chắn, trong lòng mỗi “chiến sĩ 1022” VNPT địa bàn Bình Dương vẫn còn đọng lại những tình cảm chân thực được cho và nhận ở những “phút giây sinh tử” của đời người.