Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp).
Được khai trương tháng 12 năm 2019, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng.
Với một địa chỉ truy cập duy nhất (www.dichvucong.gov.vn) và bằng một tài khoản duy nhất, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, người dùng có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết, và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ, tái sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, đặc biệt là những TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan.
Theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp). Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp chức năng thanh toán trực truyến, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế, nộp phí, lệ phí, các nghĩa vụ tài chính khi giải quyết thủ tục hành chính và các dịch vụ công khác.
Cũng theo Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 07/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 55 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp nhận, hỗ trợ trên 10 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm. Đã tiếp nhận, xử lý 5.465 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành việc xử lý 4.297 phản ánh, kiến nghị.
Với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ Công quốc gia. Xác định việc triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các cổng dịch vụ công của các Bộ ngành và địa phương nhằm phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên không gian mạng, VNPT đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn VNPT. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC: Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 Tỉnh thành trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT, VNPT sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Cổng Dịch vụ công quốc gia, tích hợp các dịch vụ cung cấp trên cổng. Đồng thời tham gia xây dựng và triển khai hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc… Để tăng cường năng lực mạng lưới cho cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố, VNPT đã thực hiện chuyển đổi và nâng cấp kết nối cho kết nối từ hệ thống IDC VNPT về mạng Cục Bưu điện Trung ương, nâng gấp 2 băng thông phục vụ cho các dịch vụ công của Văn phòng Chính phủ và các tỉnh thành trên cả nước.