Hệ thống TTBCQG đi vào hoạt động là sự chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa VPCP và các đơn vị, đặc biệt là Tập đoàn VNPT. Tham gia xây dựng hệ thống TTBCQG, một lần nữa VNPT đã thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của mình trước mỗi một nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia.
Với kinh nghiệm triển khai các dự án Viễn thông - CNTT mang tầm quốc gia như Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin họp và xử lý công vụ E-cabinet, hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp…Tập đoàn VNPT tiếp tục được VPCP tin tưởng lựa chọn làm đối tác xây dựng hệ thống TTBCQG. Phát biểu tại lễ khai trương hệ thống TTBCQG, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn VNPT trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, trong đó hệ thống TTBCQG đã góp phần phục vụ tốt hơn công tác điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo VPCP, lãnh đạo các Bộ, ngành nhấn nút khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, VPCP phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ (TTBCCP) kết nối với các hệ thống TTBC của Bộ, cơ quan, địa phương hình thành hệ thống TTBCQG. Các cơ quan hành chính nhà nước được quyền khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên hệ thống TTBCQG theo phân cấp quản lý. Các Bộ, cơ quan, địa phương tham gia thu thập, xử lý, cập nhật thông tin báo cáo được truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu theo phân quyền. VPCP sử dụng hệ thống TTBCCP để kết nối, trích xuất thông tin từ các hệ thống TTBC của Bộ, cơ quan, địa phương cho việc thực hiện công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu và dự báo tình hình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống TTBCQG có các nhóm chức năng chính như: Chuẩn hóa quy trình báo cáo; Giám sát các chế độ báo cáo, dự báo, mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Thông tin được thể hiện trực quan, hỗ trợ công tác quản lý; Tổng hợp, phân tích số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin, báo cáo các cơ quan nhà nước.
Đến nay, hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với Hệ thống TTBCQG; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, trong năm 2020, hệ thống TTBCCP sẽ kết nối tới 100% hệ thống TTBC của các Bộ, ngành, địa phương. Mọi hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng trích xuất số liệu báo cáo để hình thành hệ thống TTBCQG.
Cùng với hệ thống TTBCQG, việc thiết lập Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành (TTCĐĐH) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định là cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Trung tâm TTCĐĐH được kết nối với các trung tâm điều hành hệ thống TTBC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các trung tâm thông tin, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra hoạt động theo từng lĩnh vực mà các Bộ ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo điều hành trực tiếp đến các Bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Thông tin dữ liệu được tổng hợp từ hệ thống TTBCQG, các hệ thống thông tin của Bộ, ngành, địa phương và nhiều nguồn khác rồi chuyển về trung tâm để phân tích và xử lý theo chức năng nhiệm vụ và yêu cầu của Chính phủ, thành viên Chính Phủ, các đơn vị chức năng của VPCP phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sử dụng khai thác thông tin, dữ liệu tại Trung tâm, đồng thời có thể sử dụng các mô hình dự báo để kết xuất thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành một cách trực quan, sinh động từ tổng thể đến chi tiết theo các phương diện, góc độ phân tích.
Hiện nay, tại nhiều Bộ, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Phước… đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) dưới sự trợ giúp của Tập đoàn VNPT. Trung tâm IOC vừa hỗ trợ lãnh đạo Bộ, địa phương trong công tác giám sát điều hành thông qua các bộ chỉ số vừa kết nối với Trung tâm thông tin điều hành của Chính phủ, Thủ thướng Chính phủ. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.
Sau gần 01 năm khẩn trương xây dựng với sự phối hợp của VPCP và các Bộ, ngành, địa phương cùng với sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ứng dụng công nghệ hiện đại, được thiết kế với khả năng chịu tải cao, sẵn sàng mở rộng quy mô cũng như điều chỉnh tính năng một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn thông tin được đưa vào khai thác phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ CNTT, triển khai nhiều nền tảng trong xây dựng chính phủ điện tử như Trục Liên thông văn bản quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và nhiều giải pháp chính quyền điện tử và thành phố thông minh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Tập đoàn VNPT tiếp tục là đơn vị được lựa chọn xây dựng và vận hành hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các hệ thống thông tin và cho nhà nước thuê lại là phù hợp, đồng thời phát huy được vai trò của doanh nghiệp Việt Nam vào xây dựng Chính phủ điện tử.
Khi bắt tay vào xây dựng, phát triển hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã tham khảo mô hình ứng dụng của nhiều nước phát triển trên thế giới, đi đến thống nhất về phương án tích hợp trên nền tảng micro-service (kiến trúc nhiều dịch vụ nhỏ). Nền tảng thiết kế này sẽ cho khả năng mở rộng cao cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là với các bài toán về quy trình nghiệp vụ. VNPT cũng đang sử dụng công nghệ có độ bảo mật cao nhất bằng các máy chủ bảo mật và bảo mật ngay cả trên đường truyền kết nối.
Ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, những kinh nghiệm thực tiễn nhất trên thế giới, những công nghệ mới nhất đã được đội ngũ kỹ sư của VNPT phát triển để đưa vào các ứng dụng CNTT cho Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương. VNPT cũng cam kết những ứng dụng này sẽ mang lại chất lượng tốt nhất, hiệu quả và an toàn. Song song với việc vận hành hệ thống, VNPT luôn không ngừng cải tiến để đảm bảo người dân và doanh nghiệp xử dụng hệ thống một cách dễ dàng nhất
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, hệ thống TTBCQG ra đời mang ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị và kinh tế, phục vụ chỉ đạo điều hành một cách toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tại lễ Khai trương hệ thống TTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng DVC Quốc gia là một trong những bước đi quan trọng, góp phần làm giàu thêm hệ sinh thái Chính phủ điện tử. Theo tính toán của các chuyên gia, hệ thống TTBCQG đi vào vận hành tiết kiệm cho Chính phủ khoảng 460 tỷ đồng/ năm. Cùng với đó, 1.000 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng góp phần tiết kiệm khoảng 6.722 tỷ đồng/năm
Với sự kiện khai trương này, một lần nữa khẳng định vai trò của VNPT trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam và vị thế tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số Quốc gia. VNPT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng CPĐT và luôn cải thiện các giải pháp, ứng dụng các công nghệ mới đem đến những giải pháp tốt nhất, hoàn thiện nhất, góp phần thực hiện thành công CPĐT tại Việt Nam.