Đầu tháng 9/2022, UBND TP.HCM tiếp tục ký kết hợp tác VNPT về chuyển đổi số giai đoạn 2022- 2025. UBND TP.HCM đánh giá cao việc Tập đoàn VNPT đã đồng hành xây dựng khung công nghệ và hoàn thiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, để Thành phố chuyển đổi số nhiều lĩnh vực quan trọng, kết nối chia sẻ dữ liệu và triển khai các ứng dụng, tiện ích thông minh. Không chỉ có Tp.HCM, VNPT đã và đang hợp tác với với hầu hết tỉnh thành trên cả nước về lĩnh vực chuyển đổi số, góp phần mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho những địa phương này.
Theo ghi nhận của lãnh đạo UBND TP.HCM, hợp tác giai đoạn 2016- 2020 đóng vai trò tiên phong, đặt nền móng cho Thành phố tiếp tục đón nhận những xu hướng như Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số quốc gia những năm gần đây trên hầu khắp các lĩnh vực cốt lõi: giao thông, y tế, giáo dục… Hợp tác với VNPT cũng tạo nền tảng để Thành phố thiết lập những năng lực cơ bản của đô thị thông minh như kết nối chia sẻ dữ liệu, triển khai ứng dụng tiện ích, thông minh phục vụ mọi mặt đời sống xã hội. Đáng chú ý, các sản phẩm trụ cột trong hợp tác như Kho dữ liệu dùng chung, Trung tâm điều hành thông minh, Trung tâm an toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng dự báo kinh tế xã hội vẫn đang được Thành phố quyết liệt triển khai, thực hiện.
Tại Lễ ký kết hợp tác giai đoạn 2022-2025, Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu của Thành phố đến năm 2025 là kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn. Việc ký kết với Tập đoàn VNPT chính là nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh, hướng tới điều hành hệ thống chính quyền, hệ thống chính trị, quản lý cơ bản về dân cư, đất đai, nhà ở… trên nền tảng số đến năm 2025. Lãnh đạo Thành phố kỳ vọng sớm hiện thực hóa các nội dung ký kết để mục tiêu có thể đạt được vào năm 2025. Trước hết, đảm bảo an toàn an ninh thông tin đối với dịch vụ, chiến lược nhân sự phục vụ chuyển đổi số; chiến lược dữ liệu; chiến lược đảm bảo an ninh; cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp,… Sau đó là xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh của cả nước, của khu vực.
Cũng trong tháng 9/2022, tại Hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thủ đô” do Bộ Tư pháp và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức, TS Nguyễn Văn Yên - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT chia sẻ: Sự đồng hành, chung sức của Tập đoàn VNPT sẽ góp phần đưa Thành phố Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu cả nước về chuyển đổi số, có thứ hạng cao theo các Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Chỉ số Cải cách hành chính PAR... Lãnh đạo Tập đoàn VNPT khẳng định, VNPT đã và đang đồng hành cùng nhiều địa phương trong xây dựng lộ trình đô thị thông minh và chuyển đổi số như TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Nam, Lâm Đồng, Bình Phước… Hệ sinh thái chính quyền số của VNPT đã hiện diện tại 63/63 tỉnh thành phố trên cả nước với đội ngũ hơn 5.000 kỹ sư công nghệ thông tin trên cả nước, trong đó có hơn 200 chuyên gia về công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo AI, dữ liệu lớn Big Data, Internet vạn vật IoT…
Theo đánh giá UBND tỉnh Yên Bái, là tỉnh miền núi ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ nhưng từ năm 2014, ngành Y tế và Giáo dục của tỉnh Yên Bái đã khởi động chuyển đổi số cùng VNPT. Cụ thể, hệ thống “Quản lý khám chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT-HIS” được sử dụng ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Hiện có 113 cơ sở y tế, 441.000 nhân khẩu được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Đối với ngành giáo dục, đến nay đã có 163 trường đạt 54%, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với 6.237 giáo viên, 108.901 học sinh tham gia ứng dụng hệ sinh thái giáo dục thông minh. Trong đó, hơn 19.884 sổ liên lạc điện tử, hơn 30.000 tài khoản học và thi trực tuyến. Năm 2018, hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa của tỉnh Yên Bái đã được VNPT phối hợp với các ban/ngành của địa phương triển khai tại 20 Sở/ban/ngành, 9 huyện thị/thành phố và 173 xã/phường/thị trấn. Năm 2019, hệ thống đánh giá Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Yên Bái vào hoạt động. Năm 2020- 2021, VNPT đã phối hợp tham gia triển khai xây dựng mô hình điểm về chuyển đổi số tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; phối hợp xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) Tp. Yên Bái.
Giai đoạn 2014- 2020, với sự hợp tác của Tập đoàn VNPT, hạ tầng VT-CNTT của tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thay đổi, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số chính quyền như đã đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu; triển khai mô hình điện toán đám mây, hệ thống thông tin dùng chung, nền tảng chia sẻ cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022- 2025, Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng và đặt quyết tâm cùng VNPT phấn đấu đến 2030 hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng hoàn thiện đô thị thông minh, kết nối thống nhất với mạng lưới đô thị thông minh khu vực ĐBSCL và cả nước. Hoàn thành xây dựng tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cấp huyện/xã đưa vào kho dữ liệu dùng chung của tỉnh. 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số. 100% hồ sơ công việc được xử lý qua môi trường mạng đối với cấp tỉnh, 90% với cấp huyện và 70% với cấp xã. Nền kinh tế số của Tỉnh sẽ chiếm 30% GRDP; Hạ tầng cáp quang đến hộ gia đình đạt 100%; 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Cải thiện thứ hạng theo các Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Chỉ số Cải cách hành chính PAR, hướng tới đô thị thông minh cùng nền kinh tế số, xã hội số toàn diện cho các tỉnh/thành phố trên cả nước luôn là cam kết và mong muốn của VNPT khi bắt tay cùng các địa phương thực hiện chuyển đổi số.