Ngay đầu tháng 10/2021, VNPT Hà Nội đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện cam kết tặng máy tính bảng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”, với mục tiêu không học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”…
Đầu năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, câu chuyện học sinh chưa có đủ thiết bị phục vụ việc học trực tuyến là tình hình chung của nhiều trường học ở các tỉnh/thành phố. Trong giai đoạn này, hoạt động tổ chức dạy học thực sự gặp nhiều khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến.
Tại thời điểm tháng 9/2021, trước thềm khai giảng năm học mới 2021-2022, theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT, cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố tổ chức học trực tuyến, với số học sinh học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh. Trong khi đó, số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Trước tình hình đó, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” và Chương trình đã nhận được sự chung tay của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại lễ phát động Chương trình, Tập đoàn VNPT cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho Chương trình và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục để góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.
Để chuẩn bị tốt cho chương trình, tháng 9/2021, Tập đoàn VNPT được Bộ TT&TT giao đảm bảo vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng di động 3G/4G tại 111 thôn xóm ở 11 quận huyện, sẵn sàng hạ tầng mạng phục vụ công tác dạy học trực tuyến.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, VNPT Hà Nội đã bắt tay ngay vào việc triển khai khảo sát, phân tích, đưa ra phương án và triển khai thực hiện cuốn chiếu tại từng điểm theo thứ tự ưu tiên. VNPT Hà Nội đã phối hợp đồng loạt triển khai các đội đo kiểm kết hợp khảo sát thị trường, xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai gấp việc tối ưu mạng dịch vụ cho các địa bàn trọng điểm.
Đến cuối tháng 9/2021, các hạng mục công việc được VNPT Hà Nội triển khai đã hoàn thành, đảm bảo phủ sóng tới các thôn xóm vùng lõm của địa bàn Hà Nội theo đúng thời hạn mà Bộ TT&TT yêu cầu.
Tiếp đó, ngay đầu tháng 10/2021, VNPT Hà Nội đã là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện cam kết tặng máy tính bảng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Trong khuôn khổ chương trình, VNPT Hà Nội đã đồng hành cùng Thành đoàn - Hội sinh viên Thành phố Hà Nội tổ chức trao tặng 40 thiết bị điện tử và sim 4G VinaPhone cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố. Đây là những chiếc máy tính bảng đầu tiên của chương trình đã được VNPT Hà Nội trao tận tay cho các học sinh tại Hà Nội.
Đặc biệt, đồng hành cùng Tập đoàn VNPT trong chương trình, mỗi CBCNV VNPT Hà Nội đã ủng hộ 01 máy tính bảng mới với đầy đủ tính năng phục vụ việc học tâp trực tuyến để gửi tới các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng số 2310 máy tính bảng với tổng số tiền trị giá ủng hộ trên 5.6 tỷ đồng. Trong đó 1284 máy tính được VNPT Hà Nội trao tới tận tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quốc Oai (523 máy tính bảng) và Chương Mỹ (761 máy tính bảng), hơn 1000 máy tính còn lại được Tập đoàn VNPT gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để trao tới tay các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các địa bàn các tỉnh thành trong cả nước.
Cũng trong chương trình này, VNPT Hà Nội đã trao 10.000 sim data VinaPhone cho Sở Giáo dục Đào tạo để gửi tới các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. 10.000 sim data Vinaphone có tổng trị giá tương đương 3,5 tỷ đồng đã được trao tới tay hàng ngàn em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có sóng Internet để học tập trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Với mỗi chiếc sim nhỏ nhắn, các em có thể truy cập mạng Internet bằng dữ liệu di động mỗi ngày để tham gia chương trình học tập trực tuyến cùng thầy cô và các bạn.
Ông Lương Cao Chí - Trưởng Đại diện VNPT địa bàn Hà Nội cùng lãnh đạo Công đoàn VNPT địa bàn Hà Nội trao máy tính bảng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Quốc Oai.
Những kết quả của Giáo dục Hà Nội năm học 2021 - 2022
Theo báo cáo của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội, năm học 2021-2022, quy mô giáo dục Thủ đô có 2.835 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song, công tác đầu tư, cải tạo, nâng cấp các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các nhà trường tiếp tục được tăng cường, nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt 79%.
Việc hỗ trợ cho học sinh khó khăn được chú trọng. Chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã trao hơn 10.000 thiết bị gồm máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng, ước tính trị giá trên 30 tỷ đồng, giúp học sinh không bị gián đoạn việc học tập khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Với sự góp phần tích cực của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục Thủ đô, chất lượng giáo dục tiếp tục có chuyển biến mạnh. Học sinh Hà Nội duy trì vị trí nằm trong tốp đầu cả nước trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với 125 học sinh đoạt giải.
Tại các kỳ thi cấp quốc tế, học sinh Hà Nội tiếp tục khẳng định tài năng với 63 huy chương, giải thưởng, gồm 8 Huy chương Vàng, 29 Huy chương Bạc, 22 Huy chương Đồng và 4 giải Khuyến khích...
Riêng đối với huyện Quốc Oai, trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hoá dành cho học sinh khối THPT và GDTX có 48 em đạt giải cấp Thành phố. Cấp THCS thi học sinh giỏi các môn Văn hoá, Khoa học trẻ và thi Khoa học kỹ thuật cấp Thành phố có 48 em đạt giải. Nhiều học sinh cấp Tiểu học, THCS và THPT là những học sinh giỏi toàn diện năm học 2021-2022. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có 44 em đạt thành tích xuất sắc, có điểm xét tuyển Đại học 3 môn đạt 27 điểm trở lên. Và còn rất nhiều tấm gương vượt khó học giỏi đã được tuyên dương khen thưởng...
Đoàn viên Thanh niên VNPT Hà Nội hướng dẫn các em học sinh sử dụng thiết bị máy tính bảng để phục vụ học tập
Phát triển Hệ sinh thái giáo dục thông minh
Không chỉ đồng hành cùng Chính phủ rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, tiếp sức cho hàng ngàn học sinh, sinh viên gặp khó khăn vượt qua đại dịch, đảm bảo việc học tập, trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, VNPT cũng đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, con người, xây dựng và hoàn thiện Hệ sinh thái giáo dục vnEdu 4.0 để những chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh, phòng máy tính trở thành công cụ đắc lực nhất trong suốt quá trình học tập.
Đến nay, hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 sở hữu hơn 20 sản phẩm, dịch vụ theo 4 nhóm: quản lý số; học tập số, nghiên cứu số; tích hợp số đã bao phủ toàn bộ các quy trình, nghiệp vụ của ngành giáo dục và được triển khai trên 63 tỉnh/thành phố với hơn 32.000 cơ sở giáo dục, hơn 800.000 hồ sơ giáo viên, hơn 8 triệu hồ sơ học sinh/sinh viên.
Nhiều giải pháp, ứng dụng trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 của VNPT đã và đang phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến của ngành GD&ĐT như VNPT E-Learning, VnEdu, giải pháp Học và thi trực tuyến...
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, VNEdu với nền tảng ứng dụng dạy và học trực tuyến VNPT E-learning đã được triển khai miễn phí cho các trường học và hàng triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, tiết kiệm nhiều chi phí ngân sách nhà nước, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.
Hàng ngàn học sinh, sinh viên đã được tiếp sức và không bị bỏ lại phía sau trong hành trình tiếp cận tri thức giữa đại dịch COVID-19. Đó là kết quả của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, một sự chung tay vì cộng đồng của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT nói chung và VNPT Hà Nội nói riêng.